Một bộ phận giáo viên sa sút đạo đức: Xin thầy cô nghĩ về danh dự của mình

06/05/2019 08:00 GMT+7

Những năm gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo. Mặc dù ngành giáo dục đã quyết liệt trong việc chấn chỉnh, nhưng sự việc vẫn tiếp diễn làm giảm niềm tin của người dân với nền giáo dục. Một bộ phận giáo viên sa sút đạo đức, không làm gương cho học trò.

Một bộ phận nhà giáo đạo đức xuống cấp

Ngoại trừ một số ít giáo viên sa sút đạo đức, thì đại đa số giáo viên hiện nay công việc áp lực, không chỉ dạy ở trường mà còn chấm sửa bài, nhận xét học sinh, liên hệ với phụ huynh… trong khi nguồn thu nhập chính của họ là từ lương nên không đủ trang trải cuộc sống, nhất là giáo viên trẻ mới ra trường.
Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng hầu hết giáo viên luôn làm tròn trách nhiệm của mình, tâm huyết với nghề, khắc phục khó khăn của đời sống bằng chi tiêu tiết kiệm và kiếm thêm thu nhập bằng công việc khác. Nhiều giáo viên ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa không ngừng bám trường để dạy dỗ con em, có thầy cô phải chia sẻ đồng lương ít ỏi của mình để mua áo quần, sách vở, lương thực giúp đỡ học trò.
Dù vậy vẫn còn không ít giáo viên sa sút đạo đức, không toàn tâm toàn ý cho giảng dạy và giáo dục học sinh, thậm chí gây ra những hành động mà người dân và những người làm giáo dục quá ngỡ ngàng.
Một hiệu trưởng THPT ở Hà Giang, năm 2009 bị kết án 9 năm tù về tội mua dâm trẻ vị thành niên, một hiệu trưởng trường dân tộc nội trú THCS ở Phú Thọ đã dâm ô nhiều nam sinh (năm 2018), một thầy giáo tiểu học ở Quảng Nam đã xâm hại tình dục 3 học sinh (năm 2015 và 2016) và bị án tù chung thân, một thầy giáo THCS của một trường THCS ở Lào Cai đã hiếp dâm học sinh nữ 13 tuổi dẫn đến có thai (năm 2019), một hiệu trưởng trường mầm non ở Hà Nam lấy cắp xe của đồng nghiệp đi cầm cố lấy tiền tiêu xài, một giáo viên tiểu học ở Hải Phòng đã cho học sinh uống nước giẻ lau bảng, một giáo viên ở TP.HCM nhiều tháng lên lớp không nói, một thầy giáo tiểu học ở Hà Nội dâm ô nhiều học sinh đến học thêm ở nhà, một thầy giáo ở TP.HCM đã giết đồng nghiệp vì mâu thuẫn tình ái…
Gần đây nhất là vụ gian lận thi cử nghiêm trọng xảy ra ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đã tổ chức nâng điểm của hơn 200 thí sinh, có em từ 0 điểm nâng lên 9 điểm, và có em đã đạt thủ khoa, á khoa ở các trường đại học thuộc công an, quân đội, sư phạm, y khoa. Qua sự vụ này cho thấy, không chỉ giáo viên sa sút đạo đức mà đã hình thành một nhóm người cấu kết với nhau (giữa lãnh đạo quản lý, giáo viên, chuyên viên và công an) trong việc sửa bài, nâng điểm. Hậu quả ở cả 3 tỉnh có 17 người bị khởi tố bắt tạm giam trong đó có 3 phó giám đốc sở GD-ĐT, một số trưởng, phó phòng, chuyên viên và giáo viên, công an…

Tuyển chọn và đào tạo giáo viên có vấn đề?

Nâng cao đời sống giáo viên đi đôi với việc sàng lọc đội ngũ
Trước tình hình này, cần một số giải pháp như: Xây dựng môi trường xã hội và giáo dục lành mạnh. Những người có chức có quyền, giàu có trong xã hội cần gương mẫu trong việc học hành của con em. Chính quyền các cấp thực hiện phổ cập giáo dục thực chất để nâng cao dân trí, chứ không làm phổ cập theo thành tích. Cần nâng cao đời sống giáo viên đi đôi với việc sàng lọc đội ngũ nhà giáo, những giáo viên có biểu hiện tiêu cực, vi phạm đạo đức nhà giáo kiên quyết bố trí công việc khác hoặc đưa ra khỏi ngành. Điều quan trọng là chính nhà giáo cần thay đổi nhận thức, là làm nghề giáo cần chấp nhận một cuộc sống bằng trí tuệ, tài năng của mình, hiểu biết và sống theo pháp luật, hạnh phúc với nghề, thu nhập đủ sống và nuôi dạy con cái tốt. Chính sự thành đạt của học trò và thành đạt của con cái là hạnh phúc của nhà giáo. Điều cốt yếu là thầy cô không được bán danh dự của mình, của gia đình và nghề nghiệp mình theo đuổi để đổi lấy vật chất hay danh vọng nào đó.
Qua các sự việc liên tiếp xảy ra theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, nhiều người cho rằng việc tuyển chọn và đào tạo giáo viên có vấn đề, quá trình giảng dạy ở nhà trường do áp lực công việc, chạy theo thành tích thi cử mà nhà giáo quên đi việc rèn luyện đạo đức, nhân cách. Cơ chế thị trường, xã hội trọng đồng tiền… cũng tác động phần nào vào nhà giáo. Theo chúng tôi, có 3 nguyên nhân chính sau.
Cơ chế thị trường, giá trị sống thay đổi, chạy theo đồng tiền, nạn chạy chức, chạy quyền, đạo đức của một bộ phận người dân xuống cấp, sống theo triết lý “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền hoặc bằng quyền” đã tác động tiêu cực đến tất cả mọi ngành trong đó có ngành giáo dục làm cho một bộ phận giáo viên sa sút đạo đức. Mặt khác, chính ngành giáo dục ở một số nơi không nghiêm minh, buông lỏng kỷ cương, phép nước, dung túng, để nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tha hóa, vì quyền lợi cá nhân mà bất chấp tất cả. Điều này lý giải vì sao, cùng một nhà nước, cùng một cơ chế nhưng ngành giáo dục địa phương này tiêu cực nhiều, địa phương khác tiêu cực ít. Môi trường xã hội và giáo dục có tác động qua lại với nhau.
Lý do còn vì một số nhà giáo chọn sai lầm nghề nghiệp của mình, nghề giáo không phải là nghề “nhàn hạ” như một số người lầm tưởng. Đồng thời đòi hỏi một tình yêu thương đối với học trò, một tình yêu nghề nghiệp, sống có trách nhiệm với học trò, bản thân, gia đình, đồng nghiệp… mới làm tốt vai trò của người thầy. Nếu như chọn nhầm nghề, hoặc trong quá trình công tác không chịu rèn luyện nhân cách thì sẽ dẫn đến vấp ngã, sai lầm.
Nghề giáo ngày càng mất uy tín với xã hội, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngày càng tụt hậu so với các nước, công việc của nhà giáo ngày càng nhiều, áp lực ngày càng cao nhưng lương và đời sống thấp, xin được vào ngành quá khó khăn, tiêu cực xảy ra liên tiếp… làm cho nhà giáo không cảm thấy hạnh phúc với nghề nghiệp mình theo đuổi dẫn đến một bộ phận giáo viên sa sút đạo đức. Khi giáo viên không cảm thấy hạnh phúc mà yêu cầu phải tạo ra hạnh phúc cho học trò thì thật khó. Và hậu quả là uy tín nhà giáo ngày càng giảm trong đời sống xã hội. Một số giáo viên ra đường không muốn nói mình làm nghề dạy học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.