Điện thoại của tôi đã tắt nguồn, thật sự lúc này rất cần để đặt một cước xe công nghệ mà về cho nhanh. Tôi lê cái ba lô nặng nề mà mẹ đã gói gém đủ món đồ từ dưới quê ra khỏi cổng bến xe buýt, ngó ngang ngó dọc. Sài Gòn, khu sầm uất nhất là quận 1, bến xe buýt ra vô âm thanh còi hú vút vút len giữa trưa hè xoay vòng vòng khiến tôi chóng mặt. Từ đằng xa, tôi nhìn thấy một chú xe ôm đang chú tâm vào cái radio như cục gạch. Chú đập đập nhẹ cái radio vào lòng bàn tay nhăn nheo của mình, rồi đưa lên tai nghe xem có tín hiệu gì không, sau đó lại lắc đầu thở dài.
|
Tôi tiến lại gần, chưa kịp lên tiếng thì chú đã hỏi thăm, giọng khàn âm ấm giữa tiết trời này tưởng chừng như một cơn gió mùa thu thổi vào khiến tâm trạng bị nắng làm cho héo hắt của tôi tươi tỉnh hẳn
- Đi xe ôm hở cô?
- Dạ! Từ đây về quận 7 bao nhiêu chú? – tôi thật sự không có cảm tình với xe ôm. Đặc biệt là ở lứa tuổi của tôi, tôi tin vào xe ôm công nghệ hơn. Vừa rẻ, vừa nhanh chóng tiện lợi, và ít nhất là không bị chặt chém như mấy năm trước khi tôi mới lên Sài Gòn đi học.
- Quận 7 chỗ nào cô?
- Dạ, ngay Lê Văn Lương, phía sau siêu thị Lotte Mart ạ!
- Ba mươi ngàn nha cô. Lên đi chú chở cho, đứng đây “quài” nắng hắt “dô” đen da hết – nói rồi chú cười hè hè, tận tay lấy nón bảo hiểm đưa cho tôi.
Giá cả từ quận 1 sang quận 7 như vậy là quá được ấy chứ. Tôi mỉm cười, nhờ chú để cái ba lô nặng phía trước xe.
Xe chú là chiếc Dream đời lâu lắm rồi. Hai bên xe treo đầy các gói đồ được đóng gọn gàng. Chú chạy rất chậm, tốc độ thật sự quá an toàn. Ngồi trên xe, dừng ở đèn xanh đèn đỏ thứ nhất, tôi tò mò hỏi chú:
- Chú chạy xe ôm mà sao chở nhiều đồ vậy ạ?
Và, hệt như chỉ chờ tôi mở miệng hỏi thăm, chú đã hồ hởi kể.
- Tôi chở đồ cho mấy cô chú ở bưu điện. Người ta nhờ tôi chuyển đồ này đồ kia, ngày cho tôi tiền công thêm để uống cà phê, mà phải người quen tin tưởng lắm họ mới giao đồ. Trước kia tôi làm ở bưu điện thành phố, lớn tuổi nghỉ hưu rồi. Hồi đó tôi cũng đi bộ đội, sau này giải phóng thì về bưu điện làm. Nhà nước mình lúc đó còn nghèo lắm cô ơi, vậy mà đối xử với bộ đội chúng tôi tốt lắm, cấp cho tôi căn hộ ở quận 3. Sống đến tận giờ nhờ có nhà có cửa nên cũng đỡ lo, đỡ chật vật.
- Dạ. Vậy chú năm nay bao nhiêu tuổi rồi ạ !
- Tôi hả, tôi năm nay 72 tuổi rồi, còn bà xã tôi thì 64 tuổi.
Tôi ngạc nhiên tròn xoe đôi mắt:
- Nhìn chú khỏe quá! 72 tuổi là bằng tuổi ông ngoại con rồi!
- Ừ, người ta cũng hay gọi tôi là ông ngoại. Mấy đứa ở chỗ bưu điện á cô, lúc nào cũng ông ngoại, ông ngoại.
- Vậy con cũng gọi là ông ngoại luôn nha!
- Tùy cô thôi.
- Dạ! Ông ngoại có con cháu nhiều không ạ?
Ông lắc đầu, mắt vẫn chú tâm vào đường đi.
- Tôi có một đứa con trai duy nhất thôi. Cũng có nhà ở Gò Vấp rồi, cuối tuần mới đem cháu về thăm hai ông bà già thôi. Hai đứa cháu thì một đứa học lớp ba, một đứa lớp năm. Bà xã chú cũng là giáo viên nghỉ hưu. Lúc trước hai vợ chồng nghỉ hưu thì ở nhà không có làm gì hết, mãi rồi sinh ra chán. Sau này thì bã xã tham gia hội phụ nữ, rồi đi từ thiện tỉnh này tình kia. Còn mình tôi ở nhà, rảnh rỗi tay chân không biết làm gì thì có người giới thiệu cho công việc giao hàng cho mấy cô chú bên bưu điện. Giờ thì làm thêm nghề xe ôm, ngày có vài chục uống cà phê, nhiều thì cho bà xã làm từ thiện. Chứ hai vợ chồng sống chủ yếu vào lương hưu.
- Dạ. Ông ngoại chạy xe ôm cả ngày vậy ăn uống bên ngoài luôn ạ!
- Không đâu cô ơi, bà xã tôi nấu cơm cho tôi. Tôi ăn sáng, đem theo cơm trưa rồi tối chạy về nhà ăn cơm. Có hai vợ chồng à, buổi tối phải ăn uống cùng nhau.
Chiếc xe đi qua ngã tư cuối cùng. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, tôi lại có thêm một câu chuyện nhẹ nhàng về một đời người.
Đến trước hẻm nhà, ông chống xe rồi chờ tôi bước xuống.
- Cô về cẩn thận nha, lần sau có duyên thì cô bắt xe tôi đi tiếp nha! Chúc cô sức khỏe.
Tôi mỉm cười, gật đầu “dạ” một tiếng vui vẻ hết sức. Chiếc xe hòa vào dòng người dưới ánh nắng gắt của trời trưa hối hả. Ở cái đất Sài Gòn, từ người lạ cũng nhanh hóa người quen, gọi nhau một tiếng thân mật, lướt qua cuộc đời nhau chẳng hẹn ngày gặp lại. Khoảng khắc tuy ngắn ngủi, lại dễ khắc ghi trong lòng.
|
Bình luận (0)