Một cuốn sách dán 4 tem vẫn bị làm giả

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/10/2021 06:45 GMT+7

Tem decal giấy, tem decal 7 màu, tem decal vỡ… dán lên sách nhưng chưa ngăn nổi sách giả , trong khi tem điện tử cũng chưa thể hiện rõ tính ưu việt.

Gian nan “cuộc chiến” chống tem giả, sách giả

TS Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó giám đốc NXB Giáo dục, là người đã gắn bó với giải pháp tem chống sách giả từ lâu. Chính vì thế, ông là diễn giả đầu tiên của khối các nhà xuất bản (NXB) phát biểu tại hội thảo “Ứng dụng tem điện tử vào quản lý sản phẩm in và phòng chống in lậu” do Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT) tổ chức ngày 25.10.

Độc giả nhận diện sách thật - sách giả trong một hội thảo được tổ chức tại TP.HCM năm 2019

Quỳnh Trân

TS Quang chia sẻ, thoạt tiên NXB Giáo dục làm theo kiểu cứ đặt in 1 triệu bản thì giao nhà in đúng 1 triệu tem để họ dán và chở đến kho NXB. Tuy nhiên, sau đó lại có chuyện làm tem giả và NXB dùng tem hologram màu trắng bạc. Nhưng tem này có nhược điểm là phân biệt thật - giả bằng mắt thường rất khó, thường phải sử dụng kính đặc biệt kèm theo. “Từ đấy chúng tôi nghĩ đến dùng tem công nghệ hay tem điện tử. Hiện đã bắt đầu dùng thử một số tem công nghệ cho sách giáo khoa, các bộ mới như Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo… áp dụng công nghệ mới này”, TS Quang cho biết.

Thực trạng “cuộc chiến” tem thật - tem giả, sách thật - sách giả hiện gian nan tới mức chỉ nhìn một bức hình có thể hình dung ra. Đó là tấm ảnh chụp của bà Lê Vương Thùy Linh, Giám đốc phát triển của Vtrue (một đơn vị có giải pháp chống tem giả). Theo đó, bà Linh đưa ra một tấm hình chụp bìa sách Thai giáo theo chuyên gia. Tại bìa sau của cuốn sách này có tới 4 tem, gồm tem tự bảo vệ, đáp ứng quy định nhận dạng thương hiệu, tem của điểm bán lẻ tích hợp việc giảm giá và quét mã vạch nhập đơn hàng. Tuy nhiên, theo bà Lê Vương Thùy Linh, dù dùng đến 4 loại tem như vậy nhưng trên thực tế cũng khó mà chống làm giả và chống in lậu. Bà cũng cho biết việc sử dụng tem công nghệ có thể phần nào giúp chống làm giả tốt hơn.

Cuốn sách dù có 4 tem song vẫn có thể bị làm giả

Vương Linh

Tem điện tử chưa đủ thuyết phục NXB, người tiêu dùng

Tại hội thảo, nhiều nhà cung cấp đưa ra các giải pháp tem công nghệ để chống sách giả, nói đúng hơn là đưa ra các giải pháp để tem dán lên sách thật không bị làm giả. Trong đó có giải pháp có tới 6 lớp bảo vệ. Ở bước nhận dạng thật - giả cuối cùng, hầu hết các nhà cung cấp đều cho người sử dụng cào lớp bảo vệ tem và quét mã bằng điện thoại…

Vấn đề là để chạm vào tất cả các lớp chống giả của tem rất khó. Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành, đặt câu hỏi: “Màng keo ở bên ngoài sách thì làm sao xử lý cào tem?”. Hơn thế nữa, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng có nhu cầu cào tem để quét mã vạch kiểm tra thật - giả. TS Nguyễn Đăng Quang cũng thừa nhận hiện tại sách thật và sách giả không chênh nhau nhiều về chất lượng, chỉ là “một 9, một 10”.

Ông Việt Anh, đại diện NXB Kim Đồng, băn khoăn liệu có bao nhiêu bạn đọc sẽ rút thiết bị ra quét tem xem thật hay giả. “Bạn đọc trẻ khi mua trên trang thương mại điện tử, nhiều bạn thừa biết là mua sách lậu, nhưng họ vẫn chấp nhận vì cái nọ cái kia. Việc sử dụng tem bằng cách này hay khác, chỉ cần một bộ phận nào đó để kiểm tra, chứ mong đợi độc giả tìm ra và gửi về thì khó. Về sâu xa thì việc này nhằm phục vụ người tiêu dùng có sản phẩm thật, nhưng trực tiếp là chúng ta bảo vệ chúng ta - những người phát hành sách”, ông Việt Anh nói.

Bản thân các đơn vị làm xuất bản hiện vẫn còn e dè về việc dán thêm tem chống tem giả này. Chẳng hạn, Alpha Books cách đây mấy năm đã có ý tưởng đưa tem công nghệ vào sử dụng. Tuy nhiên, điều đó dẫn đến chi phí thêm cao, sách có thể đội giá, trong khi ngành xuất bản không dễ ăn nên làm ra.

Ông Hoàng Anh Hào, đại diện NXB Trẻ, cho biết đơn vị của ông đã đi đầu trong việc dán tem sách từ nhiều năm nay, cứ 6 tháng lại thay mẫu tem mới. Đơn vị cũng có tem phủ thông minh, nếu độc giả nhắn tin theo mã sẽ nhận được tin nhắn tương tác là đúng sách thật, kèm theo đó là điểm thưởng tích lũy để sau đó độc giả lại tiếp tục sử dụng điểm mua sách. Mặc dù vậy, ông cho biết: “Khi chúng tôi nhận sách trả về, nhân viên NXB có người còn không nhận ra được thật - giả chứ chưa nói đến bạn đọc. Tem có cái gì dễ nhận ra nhất chưa, chứ nhìn cái kia (tem công nghệ) hơi nản”.

Ông Nguyễn Nguyên cho biết rất muốn các đơn vị cùng hướng tới việc dùng giải pháp công nghệ để phát triển thị trường xuất bản. “Xuất bản là công nghiệp sáng tạo nội dung và do đó không thể không bảo vệ bản quyền. Cho nên bàn với nhau không chỉ là chuyện tem mà đích là làm sao phát triển công nghiệp nội dung, công nghiệp sáng tạo”, ông Nguyên nói, đồng thời cho rằng cần xử lý nghiêm hơn hành vi in lậu và tăng cường tuyên truyền cho người tiêu dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.