Sáng nay, Ngà xin nghỉ ở công ty để chuẩn bị bữa cơm mừng con gái sớm mai lên nhập trường. Đã khá lâu rồi, mẹ con Ngà mới có chuyện vui như thế này. Thế nên dù bữa cơm không được thịnh soạn lắm nhưng cũng phải "tươi tươi" hơn ngày thường một chút, Ngà nghĩ thế.
Chợt bé Thủy bưng rổ rau thơm rón rén bước đến chỗ Ngà đang thái thịt bên thềm giếng, thẽ thọt:
- Mẹ ơi!... Tí nữa con sang mời bố... đến ăn cơm nhé!
Ngà lặng người, khẽ ngẩng mặt lên và dừng tay một thoáng rồi lại cúi xuống mải miết. Không biết do dao cùn hay miếng thịt bò dai quá, mà cô dằn tay xuống thớt mạnh thế. Rồi Ngà lại buông tay, ngồi thừ ra, khẽ quay mặt vào phía trong vườn. Con bé không thấy mẹ nói gì, cũng im thin thít, ngồi nem nép bên bể nước. Mười hai tuổi, nó hiểu những gì mẹ phải chịu đựng trong mấy năm qua, để rồi phải đành lòng dứt khoát dắt hai chị em nó rời ngôi nhà ấy. Và nó cũng biết, ngày thường mẹ rất hay cáu kỉnh mỗi khi chị em nó nhắc đến bố. Nhưng hôm nay thì có vẻ khác. Hình như mẹ nó cũng đang nhớ...
Năm ấy, cũng vào đầu thu như này, Ngà đã gặp Chung. Rồi cuối năm đó, họ cưới nhau. Đôi bạn trẻ ngất ngây hương vị tình yêu của tuổi xuân phơi phới cùng những dự định tương lai. Mười tám tuổi, Ngà không nghĩ rằng mình lấy chồng quá sớm hay quá vội vàng, bởi vì cô yêu Chung. Với lại, cả bố mẹ cô đều ủng hộ việc này.
Ngà là con gái lớn trong gia đình đông chị em. Nhà làm nông nghiệp, quanh quẩn với mấy sào ruộng và mảnh vườn nên chỉ tạm đủ ăn đủ tiêu. Năm Ngà học lớp 9, bố mẹ dạm hỏi có định học lên nữa không. Ngà cúi mặt nghĩ ngợi rồi rụt rè: "Bố mẹ cho con học hết lớp 12, cho bằng bạn bằng bè!". Ngà hiểu rằng, với lực học của mình, sẽ đủ khả năng thi đỗ vào những trường đại học ưng ý nhưng sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình khi bố mẹ ngày càng già yếu, bốn đứa em thì đang tuổi ăn tuổi lớn. "Thôi thì mai này, các em có điều kiện học cao hơn, mình cũng sẽ được vui lây và tự hào. Vậy nên...".
Dù xác định thế nhưng Ngà vẫn không hề chểnh mảng bài vở. Năm cuối cấp, Ngà miệt mài hơn, thường 2 giờ sáng mới đi ngủ. Nhiều đêm, mẹ cô chợt thức giấc, giục: "Xác định chỉ hết lớp 12 rồi nghỉ thì học vừa vừa thôi con! Đi ngủ cho khỏe", "Mẹ cứ kệ con! Còn đi học ngày nào thì con phải học đàng hoàng ngày ấy! Mà có còn được lâu nữa đâu mẹ!"... Ngày các bạn đồng trang lứa hớn hở đi làm hồ sơ đại học, Ngà còn mải bì bõm trên đồng. Nhiều đêm, cô ôm gối kín mặt, dấm dứt khóc...
Việc nông nhàn lúc có lúc không. Rồi qua người họ hàng giới thiệu, Ngà được theo đội công trình chuyên xây nhà ở dân sinh. Công việc hằng ngày của cô cùng mấy bà, mấy chị là xúc cát, bê xi măng cho vào máy trộn, xách vữa, bê gạch cho thợ xây, rồi thu dọn công trình cuối buổi... Được cái, Ngà vốn quen việc nặng nhọc lại đang tuổi thanh niên nên cô sớm thành người "được việc".
Đội công trình có nhiều lứa tuổi. Tuy họ ăn nói bỗ bã một chút nhưng rất vui tính. Điều này khiến Ngà dần dần thấy thích thú vì đã làm vơi bớt mệt nhọc và đặc biệt là khỏa lấp những tâm sự buồn tủi trong lòng cô.
Như một sự sắp đặt có dụng ý, Ngà thường được phân công xách vữa, chuyển gạch lên cho Chung - thợ xây trẻ nhất đội. Chung nhà ở xã bên. Từng làm nhiều công việc nhưng cuối cùng anh thấy mình mê nhất là nghề thợ xây. Trẻ tuổi lại sẵn có "hoa tay" nên Chung sớm trở thành thợ giỏi. Những công đoạn cần độ chuẩn xác cao như làm cầu thang, bắt góc cạnh hay đắp phào, chạy chỉ... đều do anh đảm nhận chính. Đặc biệt, kỹ thuật ốp gạch men của Chung thì không ai sánh được: viên gạch phẳng bốn góc và cân đối, mạch nhỏ và đều trăm viên như một, ngỡ chính xác đến từng mi-li-mét. Kể cả các bác thợ già cũng thán phục và quý mến Chung bởi sự khéo léo, ham học hỏi và khiêm tốn của anh.
Làm việc cùng nhau, Ngà dần nhận thấy ở Chung sau vẻ bề ngoài hay cười và tếu táo có chừng mực là một tâm hồn khá nhạy cảm và vốn hiểu biết phong phú. Cô dần cởi mở và trò chuyện tự nhiên hơn. Rồi như một sự mặc định, hễ Chung xây ở chỗ nào là có Ngà xách vữa cho ở chỗ ấy, như thể cô là phu hồ riêng của anh. Hôm nào vắng Chung, Ngà thấy mình như thừa thãi, như chẳng biết làm việc gì. Nhiều lần, từ trên giàn giáo, Chung bất ngờ quay xuống bắt gặp ánh mắt đắm đuối của Ngà, khiến anh bối rối...
Rồi Chung và Ngà nên vợ nên chồng. Sau ngày sinh cái Thủy, một bước ngoặt đến với vợ chồng Ngà. Bác thợ cả nghỉ làm đội trưởng do tuổi cao. Chung được tín nhiệm thay thế. Từ tìm dự án, thiết kế, lập dự toán, bóc tách công trình, lựa chọn vật tư... Chung đều tính toán chi tiết và khoa học. Hai năm đầu, anh vừa làm thợ vừa làm chủ thầu. Từ ngày vợ sinh thêm thằng cu Kết thì anh chuyên tâm hẳn vào việc quản lý.
Nhu cầu xây dựng nhà cửa của người dân càng tăng lên khiến đội xây của Chung ngày một đông thêm. Anh phải chia tách thành ba nhóm. Qua bốn năm, vợ chồng Ngà tích lũy vốn xây được ngôi biệt thự hai tầng mái Nhật đầy đủ tiện nghi và mua thêm được khuôn thổ ở đầu làng. Chung cũng sắm cho mình "con Altis" đời mới nhất, chạy êm ru, mát lạnh. Ngà rất tự hào về người chồng giỏi giang, về hai đứa con đẹp như tranh vẽ.
Chung thêm nhiều mối quan hệ vừa do công việc, vừa muốn chứng tỏ mình là người "có tiền". Anh tiêu pha không cần đắn đo trong con mắt ngưỡng mộ của nhiều người. Những cuộc bia rượu không còn là xã giao, là thưởng thức mà đã thành hưởng thụ quá chừng mực. Anh dần lơi lỏng quản lý việc kinh doanh rồi mặc kệ cho các đội xây "tự biên tự diễn". Một vài công trình sau khi hạch toán đã có biểu hiện công cán và vật tư thì dôi ra, lợi nhuận giảm đi đáng kể. Nhưng anh cho rằng đó là chuyện bình thường, vì làm ăn chịu sự biến động của nhiều yếu tố. Từ lúc nào, Chung quen chỉ đạo qua điện thoại. Thỉnh thoảng anh mới ghé qua các công trường, khoa chân múa tay một lát rồi lượn đi.
Nhận thấy những thay đổi bất ổn trong cung cách quản lý và lối sống của chồng, Ngà đã nhiều lần góp ý. Ban đầu, Chung chỉ gạt đi, cho rằng mình vẫn nắm mọi thứ trong tầm tay cũng như đủ khả năng tiết chế trong sinh hoạt của bản thân. Nhưng càng về sau, Chung càng tỏ ra khó chịu, hay cáu gắt với vợ...
Rồi Chung bắt đầu so sánh Ngà với những cô gái trẻ, rằng họ nuột nà, êm dịu và chiều chuộng tốt hơn cái sự thô kệch, đơn điệu nhàm chán của vợ... Ngà đã nhờn cảm xúc với những ngày mùi bia rượu nồng nặc căn phòng, với những câu chì chiết, khinh miệt, với những tiếng quát tháo, tiếng đổ vỡ... Ngôi nhà luôn bị xáo trộn. Hai đứa trẻ thì học hành có biểu hiện sút kém. Ngà đã cố gạt chuyện vợ chồng sang bên để kèm cặp các con nhưng chẳng thay đổi bao nhiêu. Mỗi lần nhìn cái dáng đi lầm lũi của cái Thủy, cái ánh mắt len lét của thằng Kết, lòng cô lại nhói đau.
Những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm, những trận đỏ đen suốt sáng và những cơn "đổi gió có tay vịn" đã lấy đi nhiều thời gian, tiền của và sức lực của Chung. Công trình thì làm cái nào lỗ cái đó do quản lý kém. Công thợ thì nợ đến mấy tháng liền khiến mọi người không còn khí thế làm việc. Những chủ thầu khác, bằng nhiều cách, họ đã kéo hết những thợ giỏi đi. Đội công trình của Chung rã đám...
Làm giàu nhanh nhưng tiêu tán cũng nhanh. Tiền, vàng tích trữ không đủ, Chung phải "đẩy" ô tô, máy móc đi nhưng cũng không trang trải hết số nợ vật tư và tiền bồi thường phá hợp đồng. May là Ngà nhanh tay gửi hai cái sổ đỏ về cho bố mẹ đẻ, không thì hai đứa con không còn chỗ mà ngủ. Ngại nhất là những người thợ cũ. Đang là chủ thầu, giờ vợ chồng Ngà lại thành con nợ của họ. Nay người này, mai người khác đến đòi tiền khiến Ngà rát mặt. Nhiều người thông cảm, chép miệng mà đành lòng giãn nợ cho vợ chồng cô nhưng cũng có kẻ hãnh tiến, trước vốn được vợ chồng Ngà giúp đỡ mà nên tay thầy tay thợ, giờ mới ti toe đứng ra cai thầu công trình, đã sớm nhìn vợ chồng Ngà với ánh mắt miệt thị.
Cùng quẫn và buồn chán, Chung thành kẻ nát rượu. Vì quá sức chịu đựng và cũng để bảo vệ hai con, Ngà gửi đơn lên tòa án. Sau mấy lần hòa giải không thành, tòa chia cho Ngà khuôn thổ đầu làng và 2 đứa trẻ, vì Chung không có khả năng nuôi con.
Ngà cậy cục xin vào công ty may, lương tăng dần từ năm triệu lên được tám triệu một tháng. Lòng cô được an ủi phần nào khi thấy hai đứa con đều ngoan ngoãn, biết thương mẹ mà chăm chỉ học hành. Đặc biệt là bé Thủy năm lớp 5 vừa rồi, giành được giải nhì trong cuộc thi hùng biện tiếng Anh tiểu học của phòng GD&ĐT.
Còn Chung thì ngày càng suy sụp. Ăn ngủ không ra bữa. Lại bị rối loạn hệ thần kinh trung ương nên càng yếu, lắm lúc đi đứng cũng không vững. Nhiều khi thấy Chung thất thểu, loanh quanh ngoài ngõ hay những lúc hai đứa trẻ nhớ bố, Ngà lại lặng người, thấy sống mũi cay cay...
***
- Con sang mời bố... đến nhà mình ăn cơm, được không mẹ?
Cái Thủy rụt rè hỏi khi Ngà vừa bày mâm cơm lên ban thờ và thắp hương. Ở góc nhà, thằng Kết cũng ngồi thu lu bên cạnh chị, nhìn mẹ, vẻ ngóng đợi. Ngà nhìn hai con, dịu giọng:
- Bảo bố mày nhớ đội cái mũ vào. Không nhỡ, người yếu lại cảm nắng đấy!
Đợi hết tuần hương, Ngà khấn xin hạ mâm cơm xuống chiếc chiếu cói đã trải sẵn ở giữa nhà. Vừa lúc Chung cùng hai đứa con từ ngoài ngõ kéo vào. Khi cả bốn người đã ngồi vây quanh mâm, Ngà cầm chai nước ngọt rót ra ba cốc cho ba mẹ con và một chén rượu nhỏ cho Chung. Xong, cô khẽ đẩy chai rượu về phía bên kia mâm cơm. Bất ngờ, Chung nắm lấy tay Ngà, giữ lại, khiến cả hai thoáng ngượng ngùng, bối rối.
- Thôi được chục ngày nay rồi! Cũng khó khăn và đau mỏi lắm nhưng sẽ...
- Dù sao mâm cơm mừng cho con đi học cũng phải có chén rượu. Tôi cứ rót, để đấy! Uống hay không, kệ!
Cái Thủy liếc nhìn em nó rồi quay ra, hớn hở:
- Bây giờ bố mẹ chạm cốc mừng đi, cho chúng con xem!
Không chần chừ, thằng Kết cầm chén rượu cụng vào cốc nước ngọt của mẹ, nghe cái "cạch":
- Đây nhé! Bố mẹ đã chạm cốc nhau rồi đấy nhé!
Tiếng cười hồn nhiên của hai đứa con lăn tràn khắp ngôi nhà nhỏ khiến Ngà và Chung cũng ngượng nghịu cười theo. Suốt bữa cơm, họ cứ chốc chốc lại nhìn nhau, chẳng nhớ hai đứa trẻ đang ríu rít, huyên thuyên những chuyện gì.
Rửa bát xong, cái Thủy rủ em đến nhà mấy đứa bạn trong xóm chơi, nhân tiện chào chia tay chúng nó luôn. Chung bước đến ngồi bên mép giường. Ngà khẽ quay mặt vào trong, nói ngập ngừng như gió thoảng:
- Chơi một tí... rồi về nhà đấy nhé! Kẻo người ta xì xào...
- Còn giận anh lắm phải không? Anh sẽ... để con chúng ta ...
Ngà bất ngờ gục đầu lên vai Chung, khiến cả hai cơ thể cùng khẽ run lên một nhịp. Ngoài hiên, những cây cau đứng đã tròn bóng nắng. Tiếng chim sẻ gọi nhau tíu tít, lích tích... lích tích liên hồi cùng với tiếng vỗ cánh chạm vào tàu cau loạt xoạt. Chúng mải mê tha rơm rạ và lá khô lên ngọn cau quen thuộc. Tháng tám, vẫn đang mùa chim sẻ cùng nhau xây tổ trước mùa mưa bão mới...
Bình luận (0)