Mưa giông khắp miền Bắc đầu tháng 3 có điểm gì giống đêm giao thừa tết CanhTý?

05/03/2020 12:42 GMT+7

Mưa giông, mưa đá xuất hiện sớm hơn mọi năm và chỉ trong thời gian ngắn đã có 2 đợt mưa giông, mưa đá với cường độ mạnh là dấu hiệu cho thấy, thiên tai diễn ra với tần suất ngày càng nhiều hơn.

Trao đổi với Thanh Niên hôm nay, 5.3, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), cho biết qua phân tích các dữ liệu thì đợt mưa giông, mưa đá trong ngày 2 - 3.3 và đợt mưa giông, mưa đá xảy ra ở khắp các tỉnh vùng núi phía Bắc trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý cho thấy, đều có nguyên nhân giống nhau.
Thứ nhất, cả 2 đợt mưa giông, mưa đá này đều bị tác động của dải thời tiết xấu trước khi có khối không khí lạnh dịch chuyển, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Sự tác động này có tranh chấp với khối không khí nóng ẩm đang tồn tại ở Bắc bộ, kết hợp thêm với đới gió mạnh (dòng xiết) trên độ cao khoảng 5.000 m.
mua-da-o-yen-bai

Mưa đá dày đặc, cường độ mạnh, xuyên thủng nhà dân tại TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái, vào tối 2.3

Ảnh Hà Yên

Điểm tương đồng thứ hai, trước đợt mưa giông, mưa đá diện rộng này, các tỉnh Bắc bộ đều có những ngày có thời tiết ấm và nồm ẩm, với nền nhiệt độ cao từ 28 - 29 độ C, độ ẩm 90 - 95%. Đây là điều kiện khiến cho sự tương tác giữa 2 khối không khí lạnh ở phía Bắc và khối không khí nóng ở phía Nam diễn ra mạnh mẽ hơn, gây ra mưa giông, mưa đá với cường độ mạnh.
Cũng theo ông Hoàng Phúc Lâm, đợt mưa đá xảy ra trong ngày 24 - 25.1, cụ thể từ trong đêm giao thừa 30 tháng Chạp và mùng 1 tết nguyên đán Canh Tý vừa qua, có thể coi là đợt mưa đá xảy ra sớm hơn so với mọi năm. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, thời tiết liên tục xảy ra 2 đợt mưa giông, mưa đá lớn thì đây là dấu hiệu cho thấy thiên tai diễn ra với tần suất ngày càng nhiều hơn. Theo đó, công tác dự báo, cảnh báo và ứng phó luôn trong trạng thái liên tục và chủ động để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
“Dự báo thời tiết đến hết tháng 3, các tỉnh Bắc bộ đón khoảng 2 - 3 đợt không khí lạnh; tháng 4 đón khoảng 1- 2 đợt không khí lạnh nữa. Nhưng điểm đáng lưu ý là những đợt không khí lạnh này ít có khả năng gây ra rét đậm kéo dài, mà lại hay gây ra mưa giông kèm theo các hình thái thiên tai cực đoan, như lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh”, ông Lâm nói.

Hà Nội có mưa tháng 3 lớn nhất trong 49 năm qua

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ tối 2.3 đến ngày 3.3, mưa lớn, giông lốc và mưa đá được ghi nhận xảy ra tại 7 tỉnh vùng núi phía Bắc gồm: Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Sơn La.
Đợt mưa đá, mưa giông này gây thiệt hại nặng nề về tài sản, các công trình hạ tầng, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. Trong đó, Yên Bái là địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất với 19 tỉ đồng, Sơn La thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng, Lai Châu hơn 6 tỉ đồng.
Đặc biệt, mưa lớn, mưa giông tạiHà Nội chiều 3.3 gây ngập úng cục bộ nhiều tuyến phố. Theo số liệu quan trắc, lượng mưa tại Hà Nội trong vòng 1 giờ đã lên tới 40 - 60 mm. So sánh trong chuỗi số liệu đã quan trắc được, đây là lượng mưa lớn nhất trong tháng 3 tại Hà Nội trong suốt 49 năm qua, tính từ năm 1971 đến nay.
Văn phòng Ủy ban ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho hay đến chiều 4.3 đã ghi nhận thiên tai xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc trong những ngày qua làm 4 người chết (2 người ở Hà Giang, 2 người ở Lào Cai) và 17 người bị thương (10 người ở Hà Giang, 6 người ở Yên Bái, 1 người ở Lào Cai).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.