Mua hàng online và du lịch trực tuyến thúc đẩy kinh tế số Việt Nam tăng mạnh

Mai Phương
Mai Phương
13/11/2024 17:45 GMT+7

Kinh tế số của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số, chủ yếu nhờ mua hàng online (thương mại điện tử) và du lịch trực tuyến.

Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 9 với chủ đề “Lợi nhuận trên đà tăng trưởng, Khai thác lợi thế của khu vực Đông Nam Á”, cập nhật xu hướng kinh tế số của 6 quốc gia Đông Nam Á, gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam trên 6 lĩnh vực: thương mại điện tử, dịch vụ giao đồ ăn, vận tải, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và dịch vụ tài chính. Tại Việt Nam, các hoạt động mua hàng online, bán hàng qua mạng (thương mại điện tử) cũng là động lực tăng trưởng chính.

Cụ thể, nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á đang phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và sự tiến bộ của công nghệ. Năm 2024, nền kinh tế số khu vực dự kiến đạt 263 tỉ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV), thu về 11 tỉ USD lợi nhuận, đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm lần lượt ở mức 15% và 24% kể từ năm 2023.

Mua hàng online và du lịch trực tuyến thúc đẩy kinh tế số Việt Nam tăng mạnh- Ảnh 1.

Mua hàng online, thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng mạnh

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo báo cáo, kinh tế số Việt Nam giữ vững mức tăng trưởng hai con số, thúc đẩy chủ yếu bởi lĩnh vực thương mại điện tử và du lịch trực tuyến. Tổng giá trị hàng hóa kinh tế số của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép ở mức 16%, chạm mốc 36 tỉ USD vào năm 2024 với thương mại điện tử và du lịch trực tuyến là động lực thúc đẩy chính. Năm 2024, ngành thương mại điện tử đã tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2023, chạm mốc 22 tỉ USD và du lịch trực tuyến của Việt Nam chứng kiến tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 5 tỉ USD năm 2024. Đáng chú ý, chi tiêu của du khách Việt ở nước ngoài tăng trưởng 290% kể từ nửa đầu 2020, với 58% chi tiêu dành cho mua sắm.

Song song đó, thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn với các hãng xe nội địa và xe điện (EV). Tổng giá trị của hai lĩnh vực vận tải và thực phẩm dự kiến đạt 4 tỉ USD (tăng trưởng 12%) trong năm nay. Không chỉ vậy, lĩnh vực gọi xe của Việt Nam đang trải qua thời kỳ cạnh tranh gay gắt với sự xuất hiện của các hãng xe nội địa và xe điện.

Báo cáo cũng nhận định Việt Nam đã công bố lộ trình kỹ thuật số đầy tham vọng trong năm, trong đó nhấn mạnh vào AI và công nghệ bán dẫn cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện các dịch vụ công. Cách tiếp cận chủ động này của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam đạt được những tiến bộ đáng kể về công nghệ số bất chấp những hạn chế trước đây trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, Việt Nam đang nhanh chóng tiến tới các hình thức không dùng tiền mặt, được thúc đẩy bởi các sáng kiến cộng đồng và giải pháp tài chính sáng tạo...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.