Mụn bị đau nhức, làm sao để mau hết?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
19/04/2022 09:08 GMT+7

Khi bị nổi mụn, hầu hết chúng ta đều muốn mụn mau hết nên có thể cố nặn ra. Hành động này khiến vết mụn bị đau nhức. Nhưng với mụn nhọt, bạn vẫn sẽ bị đau dù không tác động gì đến nó.

Có 4 nguyên nhân chính gây mụn nhọt là da nhờn, vi khuẩn, viêm nhiễm và nang lông bị tắc nghẽn do tế bào chết, bã nhờn. Mụn nhọt có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là trán, ngực và lưng trên, theo trang sức khỏe Livestrong (Mỹ).

Mụn đang bị đau nhức thì cần tránh nặn vì sẽ dễ gây nhiễm trùng

SHUTTERSTOCK

Đầu mụn có màu trắng là dấu hiệu cho thấy có mủ bên trong. Cảm giác đau nhức là do vết mụn nhọt đang bị nhiễm trùng. Vì vậy, nặn mụn trong những trường hợp này cần phải tránh, bác sĩ gia đình người Mỹ Tashara Lester giải thích.

Khi còn mới, mụn sẽ sưng và đau. Lúc này, người bị mụn nhọt nên chườm lạnh lên vết mụn trong khoảng 5 đến 10 phút. Chườm lạnh là phương pháp điều trị thường dùng cho chấn thương thể thao. Tuy nhiên, cách này cũng có tác dụng làm tê và giảm đau nhức, mẩn đỏ và viêm ở mụn nhọt.

Sau đó, bạn hãy thoa kem trị mụn. Các chuyên gia khuyến cáo nên dùng các loại kem bôi chứa benzoyl peroxide để giảm viêm và diệt khuẩn.

Nếu mụn đã phát triển đến mức hình thành nhân màu trắng bên trong thì lúc này không nên chườm lạnh mà chườm nóng. Hãy dùng một miếng gạc sạch, thấm nước ấm rồi đắp lên mụn. Mỗi ngày thực hiện 3 lần, mỗi lần khoảng 10 phút.

Ngoài ra, chăm sóc da tốt cũng rất cần thiết để kiểm soát mụn trứng cá. Hiệp hội Da liễu Mỹ khuyến cáo nên rửa mặt ít nhất 2 lần/ngày, đặc biệt là sau khi đổ mồ hôi.

Khi sử dụng các sản phẩm rửa mặt, mọi người nên tránh lựa chọn loại có tính tẩy rửa mạnh. Những sản phẩm này có thể rửa trôi lớp chất nhờn tự nhiên trên da, khiến da bị khô và kích ứng. Nếu sau khi dùng nhiều cách mà vết mụn vẫn sưng tấy thì bạn nên tìm đến bác sĩ kiểm tra, theo Livestrong.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.