Đó là “Gạo ông Cua” ST24, ST25 nổi tiếng khi đã từng đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” cách đây vài năm. Sự kiện này khiến người ta vừa vui lại vừa buồn.
Vui vì từ nay, gạo thương hiệu Việt đã đĩnh đạc bước vào hệ thống siêu thị của Úc, không lo bị ai “ăn cắp” nhãn hiệu nữa. Quan trọng hơn, hạt gạo của chúng ta đã đáp ứng được các tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường khó tính. Điều mà ngành xuất khẩu lúa gạo Việt Nam đau đáu bao năm nay. Ở thời điểm hiện tại, việc này càng có ý nghĩa để ngành nông nghiệp Việt Nam dứt khoát chọn một lối đi, đó là tập trung sản xuất, xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, có thương hiệu. Chẳng là bao năm nay, chúng ta vẫn luôn phân vân giữa lượng và chất trong việc sản xuất lúa gạo. Ai cũng biết, nhu cầu lương thực của thế giới ngày càng giảm, để tăng giá trị xuất khẩu, con đường duy nhất mà Việt Nam có thể làm là chuyển sang các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao. Thế nhưng do thói quen, do chưa có định hướng rõ rệt, do chưa đủ tự tin, do chưa có thương hiệu... chúng ta vẫn chạy theo số lượng. Từ đó dẫn đến được mùa mất giá, người nông dân trồng lúa nghèo vẫn hoàn nghèo. Thế nên việc “Gạo ông Cua” ST24, ST25 được bảo hộ và ngay lập tức bán trong các siêu thị Úc; hay trước đó lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng nguyên liệu là gạo ST25 đến từ Việt Nam đã trở thành “bữa trưa đặc biệt” tại Văn phòng Nội các Nhật Bản, rồi sản phẩm gạo Việt Nam mang thương hiệu “Cơm Vietnam Rice” hồi đầu tháng 9 được giới thiệu tới người tiêu dùng Pháp và xuất hiện tại hệ thống siêu thị bán lẻ E.Leclerc hàng đầu của Pháp... cho thấy gạo Việt nói riêng và nhiều nông sản nội địa nói chung hoàn toàn có thể chinh phục các thị trường khó tính, tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật.
Vui vì thế nhưng nghĩ lại thì cũng hơi... buồn, vì Việt Nam là một trong các cường quốc lúa gạo của thế giới. Hạt gạo của chúng ta đã xuất khẩu ra quốc tế từ nhiều thập kỷ nay mà đến bây giờ chúng ta mới làm những việc tưởng như tất lẽ dĩ ngẫu này.
Theo thống kê, dù là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới nhiều loại nông sản cũng như hàng dệt may, da giày, nhưng chỉ có khoảng 10% sản phẩm của VN có đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Doanh nghiệp Việt đa phần không mấy để ý đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Thế nên mới có chuyện, gạo ST25 vừa mới đạt giải ngon nhất thế giới thì đã bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền ở Mỹ, thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Trước đó thì nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột... đều bị các doanh nghiệp ngoại ăn cắp thương hiệu khi nhanh tay đăng ký bảo hộ trước.
Mất thương hiệu ở nước ngoài đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mất thị trường, mất cơ hội mở rộng xuất khẩu, tăng doanh thu, chưa kể còn phải đối mặt với rủi ro bị kiện tụng, chặn hàng xuất khẩu ở biên giới của nước nhập khẩu và bồi thường thiệt hại. Mất tài sản sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không thể tận dụng các lợi ích có được từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết... Có thể nói, thiệt hại là rất lớn. Vì thế, đã ra biển lớn thì phải làm ăn chuyên nghiệp, bài bản mà việc đầu tiên là đăng ký bảo hộ thương hiệu của chính mình.
Bình luận (0)