Cần tiếp tục cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư
Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng năm 2020 đạt khoảng 6,8%. Vậy đâu là động lực cho năm 2020, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2019, chúng ta có được rất nhiều thành tựu với 13/13 chỉ tiêu đều đã hoàn thành và thậm chí vượt kế hoạch được giao. Song năm 2020, theo tôi tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức khi tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, rủi ro gia tăng, xu hướng bảo hộ, cạnh tranh ngày càng phức tạp, gay gắt. Với độ mở của nền kinh tế nước ta rất lớn, các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước sẽ nhanh và mạnh hơn.
Tuy nhiên, tôi tin tưởng chúng ta sẽ vẫn tiếp đà phát triển khi quyết liệt đổi mới và cải cách hiệu quả hơn nữa để khơi thông thể chế, nguồn lực. Đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, làm sao để kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò đầu tàu của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Bộ KH-ĐT đang khẩn trương giúp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021- 2030, cũng như Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 2021 - 2025, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đâu là điểm đáng chú ý trong chiến lược và kế hoạch này, thưa Bộ trưởng?
Sau gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều, từ quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính độc lập, tự chủ được cải thiện; đến vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao…
Dẫu vậy, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu. Các yếu tố nền tảng (thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực...) để sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp xa so với yêu cầu. Đặc biệt, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn còn là thách thức lớn. Già hóa dân số tăng nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh đó, tình hình quốc tế giai đoạn sắp tới có nhiều biến động. Sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn theo hướng ngày càng phức tạp, gay gắt. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều đến hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế toàn cầu. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.
Điều kiện thế và lực của nước ta cho phép có những tư duy mạnh dạn hơn, mạnh mẽ hơn, nhưng bối cảnh quốc tế mới, như đã nêu, với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn, xu thế biến động nhanh chóng của khoa học và công nghệ, của cách mạng công nghiệp lần thứ tư,… đòi hỏi phải có tư duy mới, tầm nhìn mới và đây chính là những điểm đáng chú ý trong Chiến lược và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội lần này.
|
Nâng thu nhập người dân lên 8.000 USD/năm
Nghĩa là muốn vượt qua được thách thức khó khăn trên, cũng như nắm bắt, tận dụng được lợi thế, cơ hội phát triển, thì chiến lược sắp tới chúng ta cần một tư tưởng đột phá hơn?
Như tôi đã nói, mỗi người chúng ta đều cần một tư tưởng đột phá, mạnh mẽ hơn, đi cùng với hành động quyết liệt. Phải làm sao để khơi dậy khát vọng dân tộc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước phát triển và thịnh vượng; phát huy tối đa nhân tố con người, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Đồng thời, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế.…
Bộ trưởng nghĩ sao trước thực trạng những năm qua, tăng trưởng chúng ta đạt về chất nhưng chưa tương xứng về lượng, khi thu nhập người dân còn thấp và đời sống vẫn chưa thực sự được nâng cao?
Nên chúng ta đang nỗ lực hướng tới nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ. Phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển và không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo đó, có thể đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng (GDP) đạt bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 8.000 USD/người.
|
Để thực hiện được, cần tiếp tục thực hiện các đột phá đã xác định tại Chiến lược phát triển 2011 - 2020, trọng tâm là nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, đặc biệt là thị trường liên quan đến các yếu tố sản xuất, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, khoa học công nghệ; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học công nghệ; đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và các địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Bình luận (0)