Muốn hạ đường huyết, nên tập thể dục buổi nào là tốt nhất?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
16/10/2024 00:07 GMT+7

Các bằng chứng nghiên cứu trước đây cho thấy tập thể dục ở cường độ vừa đến mạnh có thể giúp cải thiện đường huyết ở những người bị kháng insulin. Chưa dừng lại ở đó, một nghiên cứu mới đây còn phát hiện thời điểm tập luyện giúp kiểm soát đường huyết tốt nhất trong ngày.

Nghiên cứu được công bố trên chuyên san Obesity. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu thu thập từ 186 người. Độ tuổi trung bình của họ là 46 tuổi và chỉ số khối cơ thể là 33, tức trạng thái béo phì. Những người này được mang thiết bị đeo tay để theo dõi cường độ vận động và đường huyết, theo trang thông tin sức khỏe Everyday Health (Mỹ).

Muốn hạ đường huyết, nên tập thể dục buổi nào là tốt nhất?- Ảnh 1.

Tập thể dục có thể giúp cải thiện khả năng ổn định đường huyết của cơ thể

ẢNH: PEXELS

Trong nghiên cứu, các hoạt động cường độ vừa phải là đi bộ nhanh, khiêu vũ và làm vườn. Trong khi đó, hoạt động cường độ mạnh là chạy bộ, đạp xe tốc độ nhanh, bơi nhanh và đi bộ nhanh lên đồi.

Nhóm nghiên cứu phát hiện tập cường độ vừa đến mạnh dù ở buổi nào cũng giúp giảm đường huyết. Tuy nhiên, tập vào buổi chiều và buổi tối sẽ giúp giảm đường huyết hiệu quả hơn. Ngoài ra, tập vào buổi tối, đặc biệt là sau bữa ăn tối, có thể cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết tốt hơn vào sáng hôm sau.

Một số nghiên cứu trước đây cũng phát hiện những lợi ích khác của tập thể dục vào buổi tối. Chẳng hạn, một nghiên cứu công bố trên chuyên san Diabetes Care phát hiện tập vào buổi tối với cường độ vừa đến mạnh giúp mang lại hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ tử vong vì bệnh tim nhiều nhất.

Có nhiều nguyên nhân giúp giải thích lợi ích đặc biệt của tập thể dục vào buổi tối. Nguyên nhân đầu tiên cần nhắc đến là tập thể dục sẽ giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, cho phép cơ thể sử dụng hoóc môn insulin hiệu quả hơn. Do đó, tập thể dục vào buổi tối sẽ giúp giảm nguy cơ tăng đường huyết sau bữa ăn tối.

Nguyên nhân khác là tập thể dục buổi tối góp phần giúp điều chỉnh nhịp sinh học. Nhịp sinh học ổn định không chỉ giúp kiểm soát đường huyết vào buổi tối mà còn tác động tích cực đến độ nhạy insulin vào ngày hôm sau.

Kiểm soát đường huyết đóng vai trò cực kỳ quan trọng với nhiều khía cạnh của sức khỏe, đặc biệt là kiểm soát cân nặng và lượng mỡ trong cơ thể. Tình trạng kháng insulin sẽ làm suy giảm khả năng kiểm soát đường huyết. Qua thời gian, tình trạng này sẽ dẫn đến tiểu đường loại 2, theo Everyday Health.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.