Muốn lập phân hiệu tại VN, trường ĐH nước ngoài phải nằm trong top 500 thế giới

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
20/10/2024 12:51 GMT+7

Nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Đáng kể nhất là văn bản này đã thêm các quy định về việc thành lập phân hiệu của các trường ĐH nước ngoài tại Việt Nam.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 124 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86 năm 2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Đáng chú ý, nghị định này đã bổ sung nhiều khoản về việc cho phép trường ĐH nước ngoài thành lập phân hiệu tại Việt Nam.

Cụ thể, cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu tại Việt Nam phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, thuộc nhóm 500 cơ sở giáo dục ĐH được xếp thứ hạng cao nhất trong các bảng xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH có uy tín trên thế giới của một trong 3 năm gần nhất.

Muốn lập phân hiệu tại VN, trường ĐH nước ngoài phải nằm trong top 500 thế giới- Ảnh 1.

Trường ĐH nước ngoài muốn thành lập phân hiệu tại Việt Nam thì phải nằm trong top 500 cơ sở giáo dục ĐH được xếp thứ hạng cao nhất trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới. Trong ảnh, đại diện trường nước ngoài tư vấn cho học sinh Việt Nam trong một buổi triển lãm du học tại TP.HCM

ẢNH: NGỌC LONG

Muốn được cấp giấy chứng nhận thì phân hiệu của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài tại Việt Nam phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm theo quy định của luật Giáo dục ĐH năm 2012, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018 và luật Quy hoạch.

Dự án thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn đầu tư tối thiểu là 500 tỉ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường ĐH, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 250 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, diện tích đất xây dựng không thấp hơn mức quy định về diện tích đất xây dựng phân hiệu của cơ sở giáo dục ĐH do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Chương trình đào tạo phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận hoặc kiểm định chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn nước sở tại, được giảng dạy trực tiếp ít nhất 5 năm ở nước sở tại tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hoạt động; được cơ sở, tổ chức giáo dục nước ngoài sở hữu chương trình giáo dục chấp thuận cho phép sử dụng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đồng thời phải bảo đảm liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo và tính liên thông khi học sinh chuyển sang học tập tại cơ sở giáo dục công lập theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Về đội ngũ, giảng viên phải có trình độ theo quy định của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu nhưng không được thấp hơn chuẩn giảng viên theo quy định của Việt Nam; tỷ lệ sinh viên/giảng viên, số lượng giảng viên theo quy định của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu.

Phân hiệu của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài tại Việt Nam chỉ được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu.

Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài tại Việt Nam còn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho phép hoạt động giáo dục đối với các đơn vị này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.