Muốn tham quan di tích, phải gửi... công văn

Lê Lâm
Lê Lâm
05/08/2019 07:02 GMT+7

Vườn cao su đầu tiên của Pháp trồng ở VN (năm 1906) được UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích vào năm 2009 thường xuyên 'cửa đóng then cài', ai muốn vào tham quan được yêu cầu phải gửi... công văn.

Một ngày cuối tháng 7.2019, PV Thanh Niên tìm đến Di tích vườn cao su đầu tiên của người Pháp trồng ở VN (xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất, Đồng Nai), nơi có vườn cao su cổ thụ trên 100 năm tuổi để tham quan, tìm hiểu. Đến nơi thì cổng vào di tích bị khóa chặt.
Một người dân sống gần khu di tích cho biết: "Tình trạng cửa đóng then cài xảy ra thường xuyên như vậy”, và chỉ đường đến trụ sở Nông trường cao su Dầu Giây cách đó khoảng 500 m để liên hệ. Tại đây, một cán bộ nông trường cho biết: "Vườn cao su cổ thụ được Tổng công ty cao su Đồng Nai giao cho nông trường chúng tôi quản lý, bảo quản. Chìa khóa thì nằm đây, nhân viên bảo vệ của nông trường cũng sẵn sàng dẫn nhà báo tới nơi và mở cửa cho vào tham quan. Tuy nhiên, phải chờ để xin ý kiến từ tổng công ty".
Ngay sau đó, ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Nông trường cao su Dầu Giây, điện thoại liên lạc với lãnh đạo Tổng công ty cao su Đồng Nai. Khoảng 30 phút sau, ông Nguyễn Hữu Tâm thông báo không thể mở cửa cho vào tham quan vì tổng công ty không cho phép. “Tổng công ty đề nghị anh đến trụ sở làm việc và phải có văn bản xin trình giám đốc phê duyệt”, ông Tâm trả lời. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Tổng công ty cao su Đồng Nai để tìm hiểu vấn đề trên nhưng đều bất thành.
Chiều 4.8, trả lời PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở VH-TT-DL Đồng Nai cho biết, theo phân cấp thì Di tích vườn cao su đầu tiên của người Pháp trồng ở VN được UBND tỉnh giao Tổng công ty cao su Đồng Nai quản lý. "Ngoài việc bảo tồn, UBND tỉnh Đồng Nai còn giao khai thác di tích, phải mở cửa cho mọi người tham quan", vị này khẳng định. Trước phản ánh của PV Thanh Niên, vị này nói sẽ tìm hiểu lại và có ý kiến với Tổng công ty cao su Đồng Nai.
Theo một nhà nghiên cứu về văn hóa tại Đồng Nai, một khi được công nhận di tích thì đây là tài sản chung, không còn của riêng ngành cao su nữa. “Theo luật Di sản, tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hóa. Như vậy, nếu Tổng công ty cao su Đồng Nai có quy định như trên thì đã vi phạm luật Di sản, khiến cho di sản thành “di sản chết”, người này nhấn mạnh. 
Theo tài liệu từ Nông trường cao su Dầu Giây, năm 1901, khi tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết thi công (qua khỏi địa phận H.Trảng Bom, Đồng Nai ngày nay), người Pháp đã lập một trang trại đặt tên là Dầu Giây (theo tên một làng dân tộc thiểu số gần đó), trồng cây và chăn nuôi, trong đó có cây cao su. Năm 1906, lô cao su đầu tiên ở VN ra đời (còn gọi là lô 9), có diện tích 8 ha, các cây cách 5 x 5 m, được trồng từ hạt không qua lai ghép. Năm 1980, lô 9 ngừng cạo mủ nhằm bảo tồn. Năm 2009, được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận là di tích cấp tỉnh. Hiện lô 9 còn lại hơn 300 cây cao su trong tổng số 700 cây được trồng từ năm 1906.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.