Mussolini vẫn ám ảnh thành Rome

30/10/2022 08:31 GMT+7

Tuần này, nước Ý đánh dấu 100 năm kể từ ngày nhà độc tài Benito Mussolini, một trong những nhân vật trung tâm của Thế chiến thứ 2, lên cầm quyền ở quốc gia này Mussolini . Và thành Rome vẫn chưa xóa hết dấu vết phát xít của ông.

Các di tích tôn vinh sự lãnh đạo của Mussolini vẫn tồn tại quanh thủ đô nước Ý. Các biểu tượng của đảng phát xít và nhiều bức chạm khắc hình ảnh đội quân của Mussolini vẫn đang tô điểm cho nhiều không gian công cộng.

Trong khi Đức xóa bỏ một cách có hệ thống các biểu tượng liên quan đến chế độ quốc xã của Adolf Hitler sau chiến tranh, thì người Ý đã chọn cách tiếp cận ít khắt khe hơn đối với các dấu vết 21 năm cai trị của nhà độc tài.

Sử gia người Anh Paul Corner, người vào tháng 9.2022 đã xuất bản một quyển sách tập trung vào sự hoài niệm dai dẳng của người Ý về chủ nghĩa phát xít, nhận định "Ý chưa bao giờ thừa nhận được quá khứ phát xít của mình".

Các biểu tượng của đảng phát xít vẫn đang tô điểm cho nhiều không gian công cộng ở Ý

reuters

Lễ kỷ niệm 100 năm này cũng trùng hợp với lễ tuyên thệ nhậm chức của chính quyền thiên hữu nhất của Ý từ sau Thế chiến Thứ 2, do bà Giorgia Meloni lãnh đạo. Đảng Huynh đệ Ý của bà Meloni có nguồn gốc hậu phát xít.

Thời trẻ, bà Meloni từng ca ngợi ông Mussolini, nhưng đã thay đổi lập trường. Ngày 25.10, bà khẳng định trước quốc hội Ý rằng bà "chưa từng thông cảm với chủ nghĩa phát xít", và lên án các đạo luật phát xít, bài Do Thái hồi năm 1938 là "vực sâu nhất của lịch sử Ý".

Hàng chục nghìn người Ý đã làm việc cho chính quyền phát xít và gần như không tham gia phong trào kháng chiến. Sau chiến tranh, họ thấy không cần thiết phải rũ bỏ quá khứ của mình.

Ông Corner ước tính có đến 500.000 người Ý đã thiệt mạng khi ông Mussolini chọn theo phe Hitler, trong đó có khoảng 7.700 người Do Thái Ý bị đưa đến các trại tử thần của quốc xã.

"Người Ý luôn dè dặt khi nhắc đến chủ nghĩa phát xít. Vào thời hậu chiến thì người Ý cho rằng mình cũng chỉ là nạn nhân của phát xít", theo ông Corner.

Vài năm gần đây, người biểu tình ở Anh đã giật đổ các biểu tượng của quá khứ thuộc địa phân biệt chủng tộc trên đất nước mình. Trong khi đó ở Mỹ, các tượng đài của Liên minh miền Nam đã bị di dời vì bị cho là biểu hiện của chủ nghĩa thượng đẳng da trắng. Chuyện xét lại lịch sử như vậy có lẽ sẽ không xảy ra ở Ý.

"Chẳng ai đòi hỏi những tượng đài tôn vinh phát xít hoặc do phát xít xây dựng nên bị phá hủy. Tôi nghĩ các tượng đài này sẽ thành một phần kiến trúc quen thuộc thôi. Tất nhiên, vấn đề là ý nghĩa của chúng đối với mọi người và theo tôi, đây là điều mà mọi người phải nghĩ đến", theo sử gia Corner.

Dù đã 101 tuổi, cựu bảo vệ trại tập trung phát xít Đức vẫn nhận án 5 năm tù
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.