Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

09/10/2022 14:31 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây thể hiện sự sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ Nga, làm dấy lên những quan ngại ông sẽ sử dụng một loại vũ khí hạt nhân chiến thuật loại nhỏ ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo ông Putin rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ dẫn đến tình trạng leo thang quân sự nghiêm trọng nhất từ Thế chiến thứ 2.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là các đầu đạn hạt nhân nhỏ cùng các hệ thống đưa đến mục tiêu, với mục đích sử dụng trên chiến trường hoặc tiến hành tấn công hạn chế. Chúng được thiết kế để phá hủy các mục tiêu đối phương trong một khu vực cụ thể mà không khiến bụi phóng xạ lan rộng.

Các vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ nhất có thể có đương lượng nổ 1 kiloton hoặc ít hơn. Một kiloton tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT. Loại lớn nhất có thể lên đến 100 kiloton.

Các vũ khí hạt nhân chiến lược thì có sự hủy diện lớn hơn (lên đến 1.000 kiloton) và sẽ được phóng từ tầm xa hơn. Quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima vào năm 1945 có sức mạnh 15 kiloton.

Nga công bố video vụ thử "bom Sa hoàng" mạnh gấp 3.300 lần bom phá hủy Hiroshima

Nga có vũ khí hạt nhân chiến thuật nào?

Tình báo Mỹ cho rằng Nga có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Các đầu đạn hạt nhân chiến thuật có thể được trang bị vào nhiều loại tên lửađạn pháo thường được dùng trong các cuộc tấn công quy ước.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng có thể được bắn từ máy bay và tàu, tương tự như tên lửa chống hạm, ngư lôi. Mỹ cho rằng Nga gần đây đã đầu tư đáng kể vào các loại vũ khí này để tăng cường tầm bắn và độ chính xác.

Cựu giám đốc CIA: Mỹ sẽ "hủy diệt" lực lượng Nga ở Ukraine nếu Nga dùng vũ khí hạt nhân

Vũ khí hạt nhân chiến thuật đã từng được sử dụng chưa?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật chưa từng được sử dụng trong xung đột. Các cường quốc hạt nhân như Mỹ và Nga nhận thấy việc tiêu diệt các mục tiêu chiến trường bằng các loại vũ khí thông thường hiện đại cũng hiệu quả không kém.

Ngoài ra, đến nay, không có quốc gia có vũ khí hạt nhân nào sẵn sàng mạo hiểm phát động chiến tranh hạt nhân toàn diện bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Tuy nhiên, vẫn có khả năng Nga có thể sẵn sàng sử dụng vũ khí chiến thuật nhỏ.

Đe dọa hạt nhân của ông Putin có đáng lo ngại?

Vào tháng 2.2022, ngay trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Putin đã đặt lực lượng hạt nhân Nga vào tình trạng "sẵn sàng chiến đấu đặc biệt" và tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân lớn.

Gần đây, ông tuyên bố: "Nếu toàn vẹn chủ quyền quốc gia chúng tôi bị đe dọa, chúng tôi sẽ sẵn sàng dùng mọi phương tiện có sẵn để bảo vệ Nga và người dân. Đây không phải là nói suông".

Nga cũng khẳng định sẽ sẵn sàng bảo vệ các khu vực đã sáp nhập từ Ukraine. Tình báo Mỹ xem đây là cách Nga đe dọa để phương Tây ngừng hỗ trợ Ukraine lấy lại quyền kiểm soát các lãnh thổ này, hơn là dấu hiệu cho thấy ông Putin đang lên kế hoạch tấn công hạt nhân.

Tuy vậy, một số ý kiến lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ ở Ukraine để thay đổi tình thế, tránh bị đánh bại.

Quan chức EU lo Tổng thống Putin "không nói suông" về đe dọa tấn công hạt nhân

Mỹ sẽ đáp trả thế nào?

Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột ở Ukraine.

Khó có thể dự đoán cách Mỹ và NATO đáp trả trước khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. NATO có thể không muốn gây leo thang tình hình và mạo hiểm nguy cơ chiến tranh hạt nhân toàn diện, nhưng vẫn có thể muốn vạch ra ranh giới.

Tuy vậy, Nga cũng có thể bị Trung Quốc, một cường quốc khác, ngăn cản việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tiến sĩ Heather Williams, chuyên gia hạt nhân tại Đại học Kings College London cho biết: "Nga phụ thuộc nặng nề vào sự ủng hộ của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc có học thuyết "không sử dụng hạt nhân trước". Vì vậy nếu ông Putin sử dụng chúng, rất khó để Trung Quốc ủng hộ ông ấy".

Trung Quốc kêu gọi Nga, Ukraine đàm phán chấm dứt xung đột vô điều kiện
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.