Tuyên bố chung nói trên được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Phòng Bầu dục và được Nhà Trắng công bố cùng ngày. Trong tuyên bố chung, Tổng thống Biden còn tái khẳng định Điều V của Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung Mỹ-Nhật áp dụng cho quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là quần đảo tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc ở biển Hoa Đông và hiện do Nhật kiểm soát.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đi bộ đến Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng ở Washington D.C ngày 13.1.2023. |
Reuters |
“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật nhấn mạnh trong tuyên bố chung.
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng lập trường cơ bản của chúng tôi đối với Đài Loan không thay đổi, đồng thời nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế’, tuyên bố chung viết.
Tuyên bố chung còn nhấn mạnh: “Liên minh an ninh của chúng tôi chưa bao giờ mạnh hơn thế. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định rằng liên minh vẫn là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Vấn đề Đài Loan vẫn sẽ là trung tâm căng thẳng Mỹ-Trung Quốc vào năm 2023 |
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Biden, Thủ tướng Kishida có bài phát biểu tại Trường Nghiên cứu quốc tế cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins ở Washington D.C. Trong đó, ông Kishida nói rằng Trung Quốc là thách thức chính đối với cả Nhật lẫn Mỹ, nhấn mạnh: “Nhật, Mỹ và châu Âu phải thống nhất trong việc quản lý mối quan hệ tương ứng của mình với Trung Quốc”.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Trung Quốc đối với tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật cũng như phát biểu nói trên của Thủ tướng Kishida.
Trong khi đó, Hoàn Cầu thời báo hôm nay dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng cam kết của Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida tăng cường quan hệ giữa các quốc gia và củng cố các liên minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với "cớ chống lại Trung Quốc là quả bom hẹn giờ cho nền hòa bình khó duy trì của khu vực".
Chiến đấu cơ Mỹ và Nhật trong một cuộc tập trận ở đảo chính Kyushu thuộc tây nam của Nhật, trong ảnh do Bộ Quốc phòng Nhật công bố vào ngày 4.10.2022 |
Reuters |
Các chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng “liên minh” như thế, vốn ủng hộ Nhật mở rộng khả năng quân sự, là con dao hai lưỡi đối với Tokyo, vì liên minh này cũng đẩy Nhật vào tuyến đầu của cuộc tấn công tiềm tàng và tình trạng bị xem thường ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khi có thêm căng thẳng xuất phát từ mối quan hệ Mỹ-Nhật, theo Hoàn Cầu thời báo.
Giới chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh nước này tiếp tục cảnh giác cao độ trước bước đi tiếp theo của Nhật và Mỹ, đặc biệt là trong vấn đề Đài Loan, theo Hoàn Cầu thời báo, một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bình luận (0)