Vào sáng 11.2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Biden nhấn mạnh sắc lệnh hành pháp cho phép chính quyền Mỹ “ngay lập tức cấm vận các lãnh đạo quân đội Myanmar, những người chỉ đạo cuộc chính biến, ngăn chặn các lợi ích kinh tế của họ cũng như người thân trực hệ của gia đình họ”, theo AFP.
Washington sẽ khoanh vùng những mục tiêu cấm vận đầu tiên trong tuần này và thực thi các bước để ngăn chặn các tướng lĩnh Myanmar tiếp cận các nguồn quỹ chính phủ trị giá 1 tỉ USD, hiện nằm ở Mỹ.
|
“Chúng tôi cũng sẽ siết chặt các biện pháp xuất khẩu. Chúng tôi đóng băng các tài sản ở Mỹ có thể mang lại lợi ích cho chính quyền hiện tại của Myanmar, trong khi duy trì sự ủng hộ trong mảng chăm sóc sức khỏe, các tổ chức xã hội dân sự và những lĩnh vực mang lợi ích trực tiếp cho người dân nước này”, ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ cho hay đang cân nhắc các biện pháp bổ sung, và tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế để thúc giục những nước khác tham gia vào nỗ lực chung của Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay chính quyền Washington đang thúc đẩy những hành động tập thể với các đối tác của Mỹ để tìm ra giải pháp về vấn đề Myanmar.
Trước đó vào ngày 1.2, Tổng tư lệnh, đại tướng Min Aung Hlaing đã ra lệnh bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, cùng một số nhà lãnh đạo khác. Ngay sau cuộc chính biến, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp và tuyên bố quyền lực được giao lại cho Tổng tư lệnh Hlaing.
|
Đến ngày 8.2, ông Hlaing có bài phát biểu đầu tiên với người dân trên truyền hình kể từ khi tiến hành chính biến, giành quyền kiểm soát chính phủ. Myanmar cùng ngày tuyên bố thiết quân luật tại các thành phố lớn, sau khi các cuộc biểu tình phản đối chính biến tiếp diễn đến ngày thứ 3. Các thành phố lớn áp dụng giới nghiêm ban đêm và cấm tụ tập hơn 5 người.
Bình luận (0)