Trong bản ghi nhớ ngày 9.6 có tựa đề Bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ tại Bắc Cực và Nam Cực, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh phải cải tổ mạnh mẽ kế hoạch đóng tàu phá băng mới cho lực lượng tuần duyên. Theo trang Defense News, nhà lãnh đạo Mỹ liệt kê một loạt yêu cầu cho đội tàu tương lai, bao gồm năng lực thu phóng thiết bị bay không người lái, được trang bị hệ thống thu thập thông tin tình báo, và cân nhắc lắp đặt “vũ khí phòng thủ” nhằm đối phó các đối thủ cạnh tranh như Nga và Trung Quốc. Đồng thời, Tổng thống Trump cũng đề nghị cân nhắc khả năng mua tàu phá băng hạt nhân, hiện chỉ có Nga sở hữu.
Việc kêu gọi đưa ra các thiết kế mới để đóng ít nhất 3 tàu phá băng là dấu hiệu cho thấy chính quyền Washington đang ngày càng quan ngại về tốc độ chuẩn bị của Nga và Trung Quốc tại hai cực, trong khi Mỹ vẫn vận hành 2 tàu đã được đưa vào sử dụng cách đây 40 năm. Bản ghi nhớ đã cho thời hạn 60 ngày để quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Chad Wolf phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng đệ trình phương án xây dựng đội tàu phá băng mới, sẵn sàng đưa vào sử dụng trong năm tài khóa 2029. Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc và hải quân Mỹ cũng được giao nhiệm vụ đề xuất địa điểm xây dựng ít nhất 2 căn cứ mới trên đất Mỹ, 2 ở nước ngoài. Nhiều khả năng Alaska sẽ được chọn làm nơi xây căn cứ mới phục vụ cho chính sách của Mỹ nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Bắc Cực và Nam Cực. Một địa điểm tiềm năng khác là Greenland, theo báo The Guardian.
Trong lúc Mỹ cân nhắc khả năng đóng tàu phá băng hạt nhân, hai công ty Nga là Atomflot và Zvezda đang đóng chiếc đầu tiên của lớp tàu phá băng hạt nhân lớn nhất và mạnh nhất thế giới là Leader, trọng tải hơn 100.000 tấn, theo TASS. Đây là bước đầu tiên của chiến lược Bắc Cực đầy tham vọng đang được chính quyền Moscow theo đuổi, nhằm thiết lập các tuyến hàng hải mới ở khu vực này. Hiện Nga đang vận hành 40 tàu phá băng dọc theo Tuyến đường biển phía bắc, và đang lên kế hoạch đóng thêm hàng chục tàu phá băng trong những năm tới, bao gồm ít nhất 13 tàu phá băng hạng nặng, theo trang Breaking Defense hôm 10.6.
Về phần mình, Trung Quốc đã theo kịp Mỹ về số tàu phá băng, bao gồm MV Tuyết Long và MV Tuyết Long 2. Trong đó, tàu phá băng đầu tiên là MV Tuyết Long xuất xưởng từ hãng tàu của Ukraine trước khi được đưa về nâng cấp ở cảng của Trung Quốc. Còn MV Tuyết Long 2 được đóng nội địa và hạ thủy vào năm 2018. Để mở rộng năng lực hoạt động tại hai cực, Trung Quốc cũng đang xúc tiến kế hoạch đóng tàu phá băng hạt nhân đầu tiên của nước này, theo báo South China Morning Post.
Chưa khởi động, đàm phán hạt nhân có nguy cơ khó suôn sẻ
AFP hôm qua dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov xác nhận sẽ gặp đặc phái viên Mỹ Marshall Billingslea tại Vienna (Áo) vào ngày 22.6. Đây là cuộc gặp khởi động lại đàm phán liên quan đến Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược năm 2010 (New START) vốn sẽ hết hạn vào tháng 2.2021. Tuy nhiên, trước yêu cầu của Mỹ về việc mời Trung Quốc cùng tham gia đàm phán, ông Ryabkov khẳng định Nga không phản đối Mỹ mời Trung Quốc, nhưng điều kiện tiên quyết là Bắc Kinh phải đồng ý. Và trong trường hợp này, nhà ngoại giao Nga cho rằng Mỹ cũng nên yêu cầu Anh, Pháp tham gia. Trước đó, Mỹ cho biết đã mời Trung Quốc tham gia nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh không quan tâm cuộc đàm phán này.
|
Bình luận (0)