Trong bản ghi nhớ gửi cho Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc, Bộ Thương mại, Bộ Năng lượng và Bộ An ninh nội địa Mỹ, được đăng trên trang web Nhà Trắng ngày 9.6 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump nói rằng Mỹ cần sở hữu hạm đội tàu phá băng nhằm bảo đảm an ninh tại Bắc Cực và Nam Cực.
Hạm đội sẽ bao gồm “ít nhất 3 tàu an ninh vùng cực (PSC) hạng nặng và một nhóm PSC hạng trung".
Các bộ cần nghiên cứu để xác định số lượng tàu phá băng tối ưu nhằm “đảm bảo sự hiện diện lâu dài ở Bắc Cực và, khi thích hợp, cả ở các vùng Nam Cực”.
Mỹ hiện có một tàu phá băng hạng nặng đang hoạt động là USCGC Polar Star và một tàu phá băng cỡ trung USCGC Healy. Polar Star được đóng vào thập niên 1970 và được cho là sẽ sớm lỗi thời.
Tổng thống Trump chỉ thị các bộ nêu trên xác định một số giải pháp để Mỹ sớm có hạm đội tàu phá băng, bao gồm cả việc mua hoặc thuê tàu từ những quốc gia khác.
Ngoài ra, hạm đội tàu phá băng sẽ cần ít nhất 2 căn cứ ở Mỹ và ít nhất 2 căn cứ quốc tế, theo bản ghi nhớ.
Bộ Ngoại giao Mỹ được hướng dẫn phối hợp với Bộ An ninh Nội địa để xác định “các quốc gia đối tác” giỏi chuyên môn và có năng lực đóng tàu phá băng.
Mệnh lệnh của Tổng thống Trump được đưa ra sau những nỗ lực tăng cường hiện diện tại Bắc Cực của Trung Quốc và Nga.
Dù không thuộc nhóm các quốc gia cận cực nhưng Trung Quốc ngày càng muốn khẳng định sự hiện diện tại Bắc Cực. Các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc từng đánh giá Bắc Cực có thể cung cấp nguồn năng lượng thay thế dồi dào cũng như giúp tàu nước này giảm phụ thuộc vào những tuyến hàng hải hiện hữu khi chở hàng sang châu Ấu.
Trung Quốc đưa tàu phá băng đầu tiên của nước này vào hoạt động trong năm 2019. Trung Quốc được cho là cũng đang phát triển tàu phá băng hạng nặng sử dụng năng lượng hạt nhân.
Trong khi đó, Nga được xem là quốc gia sở hữu nhiều vùng lãnh thổ và có hoạt động tích cực nhất ở Bắc Cực, vượt xa nhiều nước khác như Canada, Mỹ và Na Uy. Đến năm 2035, Tổng thống Nga Vladimir Putin ước tính hạm đội tàu phá băng của nước này sẽ đạt tới con số 13 tàu, trong đó 9 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Moscow hy vọng tuyến đường qua Bắc Cực sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa châu Á và châu Âu so với tuyến đường truyền thống.
Các nhà khoa học ước tính Bắc Cực chiếm 25% nguồn tài nguyên “chưa được phát hiện” toàn cầu. Báo cáo từ Viện Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) cũng cho thấy 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt chưa được thăm dò trên thế giới đang “ngủ yên” dưới các lớp băng. Đó là chưa tính đến các mỏ uranium, đất hiếm, vàng, sắt, bạc... Băng tan nhanh cũng sẽ mở ra những tuyến giao thông hàng hải mới quanh Bắc cực vào mùa hè, có thể giúp rút ngắn được 6.000 - 8.000 km cho hải trình giữa châu Âu và châu Á.
Những cơ hội khổng lồ về tài nguyên và địa chiến lược đang dần “rã đông” tại Bắc Cực khiến cuộc đua giành chủ quyền âm ỉ lâu nay ngày càng nóng bỏng. Hiện tại, các bên tham gia tranh chấp trực tiếp gồm 8 nước Mỹ, Canada, Nga, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland và Phần Lan. Ngoài ra, còn có những nước không thuộc nhóm cận cực nhưng ngày càng muốn khẳng định sự hiện diện tại khu vực, chẳng hạn những quan sát viên thường trực trong Hội đồng Bắc Cực (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ý và Ấn Độ).
|
Bình luận (0)