Nam cực trước thách thức địa chính trị mới

Khánh An
Khánh An
30/11/2019 09:00 GMT+7

Hiệp ước Nam cực kỷ niệm 60 năm trong khi đối diện các thách thức mới từ tham vọng của Trung Quốc .

Cách đây 60 năm, Hiệp ước Nam cực được ký kết vào ngày 1.12.1959 tại Washington (Mỹ) giữa 12 quốc gia có quan tâm lớn đến châu lục băng giá không người bản địa, trở thành thỏa thuận quốc tế về kiểm soát vũ trang đầu tiên trong Chiến tranh lạnh.
Đến nay, có 54 quốc gia tham gia hiệp ước cùng các thỏa thuận liên quan trong Hệ thống Hiệp ước Nam cực (ATS). Trong đó, có các điều khoản nhằm ngăn ngừa xung đột, cấm hoạt động quân sự, cấm khai khoáng, thúc đẩy hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học tại Nam cực “chỉ vì mục đích hòa bình”.

Tham vọng gia tăng

Theo tờ The Guardian, đến nay có 7 nước tuyên bố chủ quyền đối với một phần Nam cực gồm Úc, Argentina, Chile, Pháp, Na Uy, New Zealand và Anh, trong đó có một số tuyên bố chồng lấn và tất cả đều không được công nhận. Tuy nhiên, các nước chưa bao giờ xảy ra xung đột với nhau.
Tuy nhiên, theo trang Lawfare, Trung Quốc đang ngày càng thể hiện tham vọng đối với vùng đất băng giá này. Các nhà khoa học cho rằng Nam cực chứa nhiều tài nguyên như dầu mỏ, khoáng sản bên cạnh nguồn cá dồi dào và trữ lượng nước ngọt nhiều nhất trái đất là các khối băng. Trong khi đó, ATS cho phép các bên đàm phán lại vào năm 2048. Dù thời gian tương đối dài và công nghệ hiện tại còn giới hạn, nhiều nước được cho là đang âm thầm triển khai kế hoạch tiến đến Nam cực, khi một quan chức cấp cao quân đội Mỹ mới đây cảnh báo rằng sự cạnh tranh tại châu lục này đang cận kề.

“Đến trước, được trước”

Trong những năm qua, Trung Quốc có tốc độ gia tăng hiện diện nhanh nhất tại Nam cực với dự án xây căn cứ thứ 5 đang được xúc tiến. Nước này còn đóng tàu phá băng mới, xây dựng đường băng và đẩy mạnh du lịch đến đây.
“Bên cạnh đó, một số bằng chứng cho thấy Trung Quốc có thể đã vi phạm thỏa thuận với các hoạt động quân sự và phát triển không thông báo, giống như việc bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông”, theo chuyên gia David Fishman từng nghiên cứu tại Viện Brookings.
Theo Giáo sư Anne-Marie Brady tại Đại học Canterbury (New Zealand), Trung Quốc xem Nam cực là “kho báu tài nguyên” vô cùng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại cuộc họp thường niên các thành viên Công ước về bảo tồn nguồn lợi ở biển Nam cực (CCAMLR) tại Úc vào năm ngoái, Trung Quốc cùng với Nga và Na Uy là 3 nước bỏ phiếu chống lại việc thành lập 3 khu bảo tồn đại dương, dù EU cùng 21 nước bỏ phiếu ủng hộ.
Kế hoạch nhằm biến 3 khu vực với tổng diện tích 1,8 triệu km2 thành các khu bảo tồn nhiều loại sinh vật như chim cánh cụt, cá voi sát thủ, cá voi xanh và hải cẩu báo với thỏa thuận cấm săn bắn và thăm dò, khai thác dầu khí. Kế hoạch một lần nữa không được thông qua tại cuộc họp kín vào tháng 10.
Theo bà Brady, Trung Quốc coi vấn đề lãnh thổ và tài nguyên ở Nam cực theo kiểu “ai đến trước thì được phục vụ trước” và có thể dùng những cơ chế không chính thức để bành trướng ở lục địa này như đặt địa danh, lập căn cứ và đổ tiền vào nghiên cứu.
Cuộc thám hiểm toàn nữ lớn nhất
Theo tạp chí Forbes, chương trình Homeward Bound do 2 chuyên gia Úc sáng lập vừa đưa 100 phụ nữ từ 33 nước đến thám hiểm Nam cực, trở thành chuyến đi toàn phụ nữ lớn nhất đến lục địa này.
Đoàn rời thành phố Ushuaia (Argentina) vào ngày 22.11 và sẽ thăm 10 căn cứ, trạm nghiên cứu trong 3 tuần. Chương trình nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong ngoại giao khoa học và hành động chống biến đổi khí hậu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.