Theo đơn kiện được nộp lên tòa án liên bang ở San Francisco (California) hôm 21.7, phía nguyên đơn cho rằng Tổng thống Trump đã vượt quá quyền hạn của mình sau khi vào ngày 22.6 ký lệnh hành pháp hoãn lại việc cấp thị thực cho một số dạng lao động tạm thời, bao gồm H-1B, cho đến hết năm 2020, thay vì 60 ngày như trước đây.
Quyết định trên đã gây ảnh hưởng cho hàng trăm ngàn lao động nước ngoài đang tìm việc tại Mỹ, theo Hãng Bloomberg hôm 22.7.
Nguyên đơn, bao gồm Phòng Thương mại Mỹ, Hội liên hiệp các nhà sản xuất quốc gia (NAM) và Liên đoàn bán lẻ quốc gia, đang tìm cách đảo ngược “các giới hạn di trú bất hợp pháp, gây ảnh hưởng sâu rộng” theo sau lệnh hành pháp của chính quyền Washington vừa đưa ra hồi tháng 6.
Ông Thomas Donohue, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ, gọi sắc lệnh trên đã gây ra ấn tượng rằng nước Mỹ không chào đón các kỹ sư, những nhà điều hành, chuyên gia công nghệ, bác sĩ, y tá và những người lao động đóng vai trò then chốt cho ngành kinh tế Mỹ.
Phó chủ tịch NAM Linda Kelly cho biết “ngành công nghiệp Mỹ trong thời gian tới đang tập trung vào mục tiêu khôi phục và đổi mới, nhưng các giới hạn về thị thực sẽ trao lợi thế cho những nước khác, vì (những sắc lệnh dạng này) sẽ đẩy những con người tài năng khỏi nước Mỹ”.
Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng chưa có phản hồi về đơn kiện trên.
Phòng Thương mại Mỹ là tổ chức lâu nay vẫn ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực thu hút nguồn lao động tay nghề cao từ nước ngoài, cũng như chương trình DACA. Đây là chương trình được thông qua vào năm 2012, cho phép những người nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ trước năm 16 tuổi được tạm hoãn trục xuất và cấp giấy phép làm việc.
Hiện có khoảng 580.000 lao động nước ngoài được cấp thị thực H-1B ở Mỹ, trong khi gần 160.000 thị thực L (nhân lực luân chuyển trong nội bộ công ty) được cấp trong năm 2019. Khoảng 300.000 người đến Mỹ hằng năm theo thị thực J, dành cho các chương trình trao đổi.
Bình luận (0)