Mỹ 'hô biến' máy bay vận tải quân sự thành oanh tạc cơ

01/01/2022 18:28 GMT+7

Không quân Mỹ vừa thành công chứng minh một trong những khái niệm then chốt, cho phép nâng cao hỏa lực đáng kể vào thời chiến nhưng lại không cần triển khai các nền tảng khí tài mới.

Ảnh chụp thời khắc máy bay thả bom khi diễn tập

phòng thí nghiệm không quân mỹ

Được đặt tên Rapid Dragon (lược dịch Rồng tốc độ), đây là biện pháp nạp các tổ hợp tên lửa hành trình lên các pallet (cấu trúc cố định hàng hóa). Kế đến, tổ hợp này được chuyển lên máy bay vận tải quân sự cũng như các máy bay chiến đấu không người lái và khai hỏa theo mệnh lệnh, theo báo The Times.

Ném bom bằng C-130J và C-17

Đầu tháng 12.2021, Không quân Mỹ đã thử nghiệm khái niệm Rapid Dragon tại căn cứ không quân Eglin thuộc bang Florida, trang Defense News đưa tin. Trong cuộc thử nghiệm, một máy bay vận tải quân sự được lắp pallet gắn dù vào phần sau phi cơ. Những pallet này mang theo các tên lửa hành trình và tên lửa mô hình. Đến độ cao và vị trí nhất định, máy bay thả pallet và dù bung ra.

Khác với những trường hợp thả hàng hóa thông thường, pallet của Rapid Dragon tự điều chỉnh để các tên lửa rơi xuống theo phương thẳng đứng, đầu hướng mặt đất. Các tên lửa lần lượt rơi khỏi pallet. Trong quá trình rơi, các động cơ tuabin trên tên lửa được kích hoạt, cho phép tên lửa lao đến mục tiêu.

Hệ thống Rapid Dragon được thiết kế để gắn vừa phiên bản pallet gồm 6 tên lửa, trang bị cho dòng máy bay vận tải quân sự C-130J Super Hercules. Đối với dòng máy bay tầm xa C-17 Globemaster III, pallet có thể chứa tối đa 9 quả tên lửa. Mỗi lần xuất kích, một chiếc C-130J có thể mang theo 2 pallet, tương đương 12 quả tên lửa. Còn C-17 mang được 5 pallet cỡ lớn, tương đương 45 tên lửa.

Bên cạnh dù, các pallet được trang bị mô đun điều khiển, liên tục truyền dữ liệu về mục tiêu cho nhóm tên lửa. Phi hành đoàn sẽ có thể tải dữ liệu về mục tiêu trên máy bay, cho phép cập nhật tức thời những thay đổi trên chiến trường. Nếu mục tiêu bị phá hủy trước khi tên lửa tấn công, các tư lệnh chiến trường của Không quân Mỹ có thể nạp dữ liệu chuyển đổi hành trình, cho phép tên lửa chuyển hướng sang mục tiêu mới.

Một pallet Rapid Dragon

không quân Mỹ

Dựa trên tính toán, tên lửa dùng để nạp cho Rapid Dragon là dòng tên lửa không đối đất JASSM-ER AGM-158. Trong đó, JASSM-ER là tên lửa hành trình với năng lực tàng hình, được lắp đầu đạn xuyên phá WDU-42/B. Tầm bắn của JASSM-ER AGM-158 là 1.000 km.

Vũ khí bảo vệ Đài Loan?

Tạp chí Jane’s đề cập kịch bản Không quân Mỹ có thể triển khai Rapid Dragon. Theo đó, quân đội Trung Quốc mở cuộc tấn công Đài Loan, lần lượt kiểm soát cảng hàng không, cảng biển để đưa xe tăng và các dòng khí tài hạng nặng đến hòn đảo. Về phần mình, các máy bay vận tải của Không quân Mỹ đang bận rộn vận chuyển lực lượng và vũ khí đến Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa chính thức tham chiến.

Đến một ngày cụ thể, 20 chiếc C-17 mang theo các pallet Rapid Dragon nhập cuộc. Đợt tấn công đầu tiên bao gồm sự tham gia phối hợp của 20 chiếc B-1 và B-2, lần lượt được trang bị 24 và 20 tên lửa JASSM-ER mỗi chiếc. Theo kịch bản, nhóm oanh tạc cơ dội hết toàn bộ 560 tên lửa vào các mục tiêu của Trung Quốc trên đảo Đài Loan.

Chiếc máy bay vận tải quân sự MC-130J Commando II tham gia diễn tập

không quân Mỹ

Kế đến, phi đội C-17, được nạp 900 quả JASSM-ER, tiếp tục làn sóng tấn công thứ hai, lần này tiêu diệt cảng biển, sân bay và những mục tiêu khác. Đợt này nhằm chặn đứng năng lực chuyển quân từ Trung Quốc đại lục tiếp viện cho lực lượng đang kiểm soát hòn đảo. Không có quân và khí tài tiếp viện, lực lượng lính dù và lính thủy đánh bộ Trung Quốc dần bị áp đảo và đầu hàng.

Rapid Dragon biến những máy bay vận tải quân sự của Không quân Mỹ thành oanh tạc cơ, nhưng quá trình chuyển đổi vẫn chưa hoàn hảo. C-130J và C-17 không có năng lực tàng hình. Vì thế, JASSM-ER với tầm bắn 1.000 km cho phép chúng khai hỏa tên lửa từ khoảng cách khá xa, đảm bảo sự an toàn cho các máy bay vận tải quân sự của Mỹ, theo giới phân tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.