Tính đến hôm qua 27.3, Mỹ trở thành nước có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới với hơn 86.000 trường hợp, vượt qua cả Trung Quốc (hơn 81.800 ca) và Ý (hơn 80.500 ca).
Kích hoạt “Chế độ khủng hoảng”
Tại tiểu bang New York có gần 40.000 ca nhiễm, một số bệnh viện kích hoạt “chế độ khủng hoảng” do thiếu thốn trang thiết bị y tế, đặc biệt là máy thở, theo Reuters. Thống đốc Andrew Cuomo cho biết hệ thống y tế bang không có đủ máy thở nên phải chia sẻ một máy thở cho 2 hoặc nhiều bệnh nhân.
Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế Anh dương tính SARS-CoV-2Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 27.3 thông báo đã dương tính với SARS-CoV-2 và đang tự cách ly tại nhà. Theo Reuters, nhà lãnh đạo cho biết chỉ xuất hiện một số triệu chứng nhẹ và sẽ tiếp tục công việc điều hành đất nước chống đại dịch. Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock thông báo ông cũng dương tính với vi rút và đang tự cách ly. Trong khi đó, Hoàng gia Anh cho biết Nữ hoàng Elizabeth II gặp Thủ tướng Johnson lần cuối vào ngày 11.3 và hiện trong tình trạng sức khỏe tốt.
|
Việc thiếu thốn trang thiết bị y tế và giường bệnh buộc chính quyền các địa phương khẩn trương dựng thêm phòng bệnh, sử dụng lại khẩu trang cũ, thậm chí dùng bao đựng rác chưa sử dụng để làm đồ bảo hộ. Các xe tải đông lạnh được đặt bên ngoài một số bệnh viện ở New York để tạm thời chứa tử thi. Ông Phil Murphy, Thống đốc bang New Jersey, cho biết cơ quan chức năng đang soạn thảo hướng dẫn về việc ưu tiên phân bổ máy thở cho bệnh nhân trong trường hợp thiếu thốn.
Hôm qua, Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ thông báo hủy cuộc tập trận quy mô lớn Balikatan thường niên với Philippines để đảm bảo sức khỏe và an toàn của lực lượng hai nước giữa đại dịch Covid-19. Đến nay, hơn 10.000 binh sĩ đã được triển khai tại 50 tiểu bang để cung cấp viện trợ nhân đạo. Bên cạnh đó, một số nguồn loan tin chính quyền Mỹ đang có kế hoạch triển khai binh lính đến biên giới với Canada để ngăn người nhiễm vi rút vượt biên vào Mỹ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm qua thông báo đã thảo luận với phía Mỹ về vấn đề này và cho rằng nên giữ nguyên hiện trạng không bị quân sự hóa tại biên giới hai nước, theo Mạng truyền hình Global News.
Kỳ vọng sớm khôi phục kinh tế
Tính đến hôm qua, ít nhất 22 tiểu bang với khoảng nửa dân số Mỹ bị hạn chế ra khỏi nhà trừ trường hợp khẩn cấp, theo Reuters. Nhiều ngành nghề bị tạm ngưng hoạt động khiến nền kinh tế chịu thiệt hại lớn. Bộ Lao động Mỹ thông báo có đến 3,28 triệu người khai báo nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, cao gấp 5 lần so với thời điểm suy thoái năm 1982.
Tổng thống Donald Trump đang dùng toàn bộ nguồn lực tài chính, khoa học, y tế, quân sự để “chiến tranh chống SARS-CoV-2”. Trước mắt, sau khi gói cứu trợ kinh tế 2.200 tỉ USD (51,9 triệu tỉ đồng) được Hạ viện thông qua và Tổng thống Trump ký ban hành, thì người dân Mỹ sẽ nhận được đến 3.000 USD/hộ gia đình (khoảng 70 triệu đồng) tùy mức thu nhập. Gói cứu trợ còn gồm 500 tỉ USD hỗ trợ các ngành công nghiệp ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19, 350 tỉ USD cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn, 250 tỉ USD cho việc hỗ trợ thất nghiệp và ít nhất 100 tỉ USD cho hệ thống y tế.
Mặc dù kêu gọi người dân “ở nhà và thư giãn” để đại dịch lắng xuống, Tổng thống Trump cũng đang sốt sắng với việc khôi phục hoạt động kinh tế trở lại sau khoảng 2 tuần nữa. Trong thư gửi thống đốc các tiểu bang ngày 26.3, Tổng thống Trump thông báo có kế hoạch đưa ra các tiêu chuẩn phân loại mức độ nguy cơ lây nhiễm từ thấp đến cao cho từng quận để từ đó có phương án nới lỏng quy định phong tỏa phù hợp. Mặt khác, nhà lãnh đạo tuyên bố sẽ không hủy đại hội đảng Cộng hòa tại Bắc Carolina vào tháng 8 vì cho rằng nước Mỹ khi đó đã hồi phục sau dịch Covid-19.
Bình luận (0)