"Mỹ lên án việc Trung Quốc tiến hành chiến dịch trên mạng xã hội, tẩy chay thương hiệu của các công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản", bà Jalina Porter, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói trong buổi họp báo ngày 26.3, theo AFP.
Các nhà hoạt động xã hội và chuyên gia về nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho rằng ít nhất 1 triệu người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ phải tập trung trong những cơ sở mà Trung Quốc gọi là các trung tâm giáo dục hướng nghiệp ở khu tự trị Tân Cương.
Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc Trung Quốc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định đó là trung tâm giáo dục hướng nghiệp dạy nghề và “rất cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan”.
Dù vậy, một số công ty thời trang lớn như H&M (Thụy Điển), Nike (Mỹ), Adidas (Đức) và Uniqlo (Nhật Bản) đã cam kết tẩy chay bông vải từ Tân Cương vào năm 2020.
"Chúng tôi hoan nghênh và sát cánh cùng các công ty tuân thủ luật pháp Mỹ và đảm bảo những sản phẩm mà chúng tôi đang tiêu thụ không được sản xuất thông qua lao động cưỡng bức", bà Porter nói.
Bà Porter đưa ra tuyên bố trên sau khi nhiều bình luận kêu gọi tẩy chay các thương hiệu nước ngoài lần lượt xuất hiện trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc trong tuần này.
Một số người nổi tiếng và công ty công nghệ Trung Quốc cũng đã cắt đứt hợp đồng đối tác với nhiều thương hiệu từ Nike, H&M cho đến Burberry và Calvin Klein.
Bình luận (0)