Bên cạnh một số quyết sách hứa hẹn những thay đổi căn bản thì ngành giáo dục vẫn xảy ra những vụ việc gây nghi ngờ và mất niềm tin của xã hội nhưng lại chưa được chính ngành này giải đáp thỏa đáng.
Thông qua luật Giáo dục sửa đổi, luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực
Với 91,53% tổng số đại biểu tán thành, tháng 6.2019, Quốc hội đã thông qua luật Giáo dục sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng như: quy định một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học; giao thẩm quyền quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn cho UBND cấp tỉnh quyết định; nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên, cụ thể giáo viên mầm non là cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên…
|
Từ ngày 1.7, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2018) có hiệu lực thi hành với nhiều thay đổi lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của giáo dục đại học mà điểm mới quan trọng và nổi bật nhất là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học trong toàn hệ thống; trong đó, quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học.
Dù có luật sửa đổi bổ sung một số điều luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua từ tháng 11 năm ngoái, có có hiệu lực từ ngày 1.7 năm nay, nhưng đúng 6 tháng sau, vào ngày gần cuối cùng của năm, tức hôm qua, 30.12, Chính phủ mới ban hành được nghị định hướng dẫn thi hành luật.
Công bố nhiều bộ sách giáo khoa lớp 1 mới
Cuối tháng 11.2019, Bộ GD-ĐT công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký ban hành, có 32 sách giáo khoa của 8 môn học được phê duyệt trong lần này.
|
Riêng 6 bản thảo sách giáo khoa tiếng Anh vẫn chưa được phê duyệt và được Bộ giải thích không rõ ràng về lý do.
Tranh cãi khi bất ngờ "loại" sách công nghệ hơn 40 năm tuổi
Liên quan đến việc thẩm định sách giáo khoa mới, sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận hơn cả có lẽ là việc sách toán, tiếng Việt Công nghệ giáo dục mà tác giả là GS Hồ Ngọc Đại bị loại ngay từ vòng thẩm định lần đầu tiên. Lý do duy nhất mà hội đồng thẩm định quốc gia và Bộ GD-ĐT đưa ra về việc loại sách công nghệ là do sách có những điểm chưa phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
|
Sau lùm xùm xung quanh loại sách công nghệ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và ý kiến của các chuyên gia, dư luận về “chương trình thực nghiệm”; chỉ đạo rà soát lại việc thẩm định SGK nói chung, đánh giá lại “chương trình thực nghiệm” và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật”. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 thì việc đối thoại, rà soát này vẫn chưa được diễn ra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Nỗi bất an mang tên “dịch vụ xe đưa đón học sinh”
Năm 2019, phụ huynh và dư luận xã hội có không ít lần bàng hoàng vì những bất an nghiêm trọng xảy ra trong trường học. Đỉnh điểm của những vụ việc này là vụ việc bé học sinh lớp 1 của trường Gateway, quận Cầu Giấy, Hà Nội tử vong mà theo kết luận điều tra của cơ quan công an là do bị bỏ quên trên xe đưa đón.
|
Vụ việc này đã khiến phụ huynh và xã hội vô cùng hoang mang về quy trình và chất lượng của dịch vụ xe đưa đón học sinh. Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục địa phương rà soát và siết chặt quản lý dịch vụ xe đưa đón học sinh. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2019, một cháu bé ở Bắc Ninh cũng suýt bị đe dọa tính mạng khi bị một cơ sở giáo dục mầm non tư thục bỏ quên trên xe. Sau đó, liên tiếp hai vụ việc tại các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã xảy ra sự cố khi sử dụng xe đưa đón học sinh.
Hàng loạt cán bộ, công chức ngành giáo dục hầu tòa
Sai phạm trong chấm thi tại kỳ thi THPT quốc gia ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã khiến cho hàng trăm cán bộ ngành GD-ĐT và những người liên quan vướng vào lao lý hoặc bị xử lý kỷ luật. Năm 2019 vụ án đã bị đưa ra xét xử ở hai địa phương là Hà Giang và Sơn La. Tuy nhiên, mới chỉ có TAND tỉnh Hà Giang tuyên bản án sơ thẩm đối với 5 bị cáo trong vụ gian lận điểm thi cho 107 thí sinh trong kỳ thi THPT tại tỉnh này năm 2018. Tại Sơn La sau 4 ngày xét xử, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung về tội môi giới và tội đưa, nhận hối lộ để nâng điểm cho hàng trăm thí sinh.
|
Lần đầu tiên, hàng loạt sinh viên bị buộc thôi học do dùng điểm thi gian lận
Năm nay là năm đầu tiên có hàng loạt sinh viên bị buộc phải thôi học do dùng điểm thi gian lận. Theo Bộ GD-ĐT, liên quan tới các vụ án gian lận điểm thi tại Sơn La và Hòa Bình, có tổng cộng 108 thí sinh được nâng điểm, trong đó có 81 thí sinh đã nhập học vào 26 cơ sở giáo dục đại học trong nước. Sau khi được trả về điểm thật thì có 12 sinh viên điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển nên vẫn tiếp tục được theo học đại học ở trường. Số em còn lại, về mặt nguyên tắc, thì bị buộc thôi học. Tuy nhiên, cụ thể có những sinh viên nào bị trường nào buộc thôi học, Bộ GD-ĐT không cung cấp thông tin cho báo chí. Chỉ có Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thông báo tới đại chúng về số lượng sinh viên Sơn La, Hòa Bình bị buộc thôi học tại các trường công an, quân đội.
Thay đổi thi THPT quốc gia sau sai phạm “động trời” của năm 2018
|
Để lấp lỗ hổng trong quy trình thi THPT quốc gia qua sai phạm chưa từng có xảy ra ở năm 2018, kỳ thi này năm 2019 Bộ GD-ĐT quyết định sửa quy chế thi với thay đổi lớn nhất là giao việc chấm thi trắc nghiệm cho các trường ĐH chủ trì để tránh những sai phạm xảy ra như năm 2018.
Lơ lửng lời hứa giảm áp lực cho giáo viên
Trò chuyện với báo chí vào ngày đầu năm 2019, ông Phùng xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ năm 2019 là năm tập trung giảm áp lực không đáng có, tăng động lực làm việc, sáng tạo cho giáo viên trong đó có việc giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách và tính đến việc bỏ cuộc thi giáo viên dạy giỏi vì bệnh thành tích và nặng về trình diễn qua cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Cuối tháng 1, ông Nhạ ký Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường như động thái đầu tiên thực hiện lời hứa này.
|
Tuy nhiên, với cuộc thi giáo viên dạy giỏi thì lời hứa thay đổi của Bộ trưởng Nhạ chưa thành hiện thực. Cuối năm 2019, cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp vẫn diễn ra với quy mô, mức độ không kém gì các năm trước.
Lần đầu tiên, giáo dục đại học được lọt vào bảng xếp hạng THE
Theo kết quả xếp hạng các trường đại học toàn cầu THE World University Rankings 2020 mà Tạp chí Times Higher Education (Vương quốc Anh) công bố ngày 12.9, lần đầu tiên Việt Nam có 3 đại diện lọt vào bảng xếp hạng này. Đó là Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM. Trong đó, Trường đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội cùng đứng ở nhóm 801-1000; Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm 1001+.
|
Một hiệu trưởng và nhiều hiệu phó trường đại học bị bắt
Một điểm tối khác của bức tranh giáo dục đại học năm qua là sự việc cơ quan công an bắt tạm giam một loạt cán bộ chủ chốt của Trường đại học Đông Đô để phục vụ việc điều tra vụ án giả mạo cấp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ xảy ra ở trường này thu lợi bất chính số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Đầu tiên là bắt tạm giam ông Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, và ông Trần Ngọc Quang, Phó trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên. Sau đó một thời gian ngắn thì thêm 2 phó hiệu trưởng của trường (bà Trần Kim Oanh và ông Lê Ngọc Hà) cũng bị bắt tạm giam.
Cách đây vài ngày, bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh Bắc cũng bị bắt. Theo Cơ quan An ninh điều tra, bà Nguyễn Thị Minh Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ Anh hệ văn bằng 2 chính quy không đúng quy định, nhằm thu lợi bất chính...
Bình luận (0)