Nam bộ đón mưa chuyển mùa

Chí Nhân
Chí Nhân
04/05/2024 06:07 GMT+7

Hôm qua 3.5, Nam bộ nói chung và TP.HCM nói riêng chính thức đón cơn mưa chuyển mùa sau chuỗi ngày nắng nóng kỷ lục. Thế nhưng không khí oi bức, nắng nóng vẫn rất căng.

Chưa đủ xua đi nắng nóng gay gắt

Trưa 3.5 đã có một cơn mưa rào nhẹ trên địa bàn thị trấn Mỹ Xuyên (H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) khiến nhiều người dân vui mừng. Chị P.T.B.Tuyền chia sẻ trên mạng xã hội: "Mưa rồi. Mừng quá! Vậy là sau bao ngày chờ đợi mùa mưa cũng đến, "bé hạ" (mùa nắng nóng - PV) sắp qua rồi". Mưa đồng thời cũng xuất hiện một số nơi ở miền Đông Nam bộ, như Đồng Nai, Bình Dương với lượng tương đối lớn và thời gian khá dài. Đặc biệt tại TP.HCM, sau nhiều ngày "mừng hụt", khoảng 15 giờ mưa đã xuất hiện tại TP.Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi...

Trước đó, ngày 2.5, mưa rào nhẹ cũng lướt qua một số quận huyện ở TP.HCM như: 1, 3, 4, Bình Thạnh, Tân Bình, Hóc Môn… Đặc biệt tại "chảo lửa" Bình Phước cũng ghi nhận lượng mưa tương đối khá tại H.Đồng Phú và thị xã Đồng Xoài với lượng mưa từ 4,8 - 20,6 mm. Dù cơn mưa thoáng qua, chưa đủ sức xua đi cái nóng bức kéo dài nhiều tháng nhưng ai cũng phấn khởi bởi đó là tín hiệu báo mùa mưa đang đến gần.

Mưa chuyển mùa tại một số khu vực ở TP.HCM chiều qua

Mưa chuyển mùa tại một số khu vực ở TP.HCM chiều qua

CTV

Chị Lê Quỳnh, ngụ Q.12, TP.HCM, chia sẻ: "Sáng sớm 2.5 thấy mây đen che kín cả một góc trời. Thật sự lòng tôi lúc đó khấp khởi mong sẽ đón một trận mưa thật lớn để giải nhiệt nắng nóng mấy tháng qua. Nhưng chờ hoài không thấy, đến hơn 9 giờ thì trời trong lại và nắng nóng muốn "bể đầu". Mức độ nắng nóng còn gay gắt và khó chịu hơn những ngày hôm trước. Suốt từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 cứ chờ đợi mãi mà sao mưa vẫn chưa tới", chị Quỳnh than thở.

Xem nhanh 12h ngày 4.5: Nhiều cây xanh ngã đổ, nhà tốc mái sau cơn mưa ‘vàng'

Cảm nhận của chị Quỳnh cũng dễ hiểu bởi dù có mưa phớt qua nhưng TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ ngày 2.5 đạt mức nhiệt khá cao. Riêng các tỉnh miền Đông nhiệt độ cao kỷ lục khi vượt mốc 38 độ C. Cụ thể, Biên Hòa (Đồng Nai) 38,5 độ C, Thủ Dầu Một (Bình Dương) 38,9 độ C… TP.HCM đạt 37,5 độ C. Các tỉnh miền Tây như ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Vĩnh Long cùng mức cao kỷ lục 38,5 độ C, Tiền Giang và Bến Tre cùng 38,2 độ C, Trà Vinh 38,3 độ C… và ngay cả Cà Mau cũng lên tới 37,2 độ C. Đây là những mức nhiệt cao kỷ lục so với trung bình nhiều năm ở các tỉnh vùng sông nước Cửu Long.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Trong một vài ngày tới, Nam bộ vẫn có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Từ ngày 5.5, nắng nóng diện rộng trên khu vực Nam bộ có khả năng kết thúc. Cụ thể như tại TP.HCM nhiều khả năng sẽ có chuỗi 3 ngày mưa liên tiếp từ 4 - 6.5. Ngày 7.5 khả năng không có mưa. Sau đó, tiếp tục là chuỗi ngày mưa kéo dài từ 8 - 12.5.

Nam bộ đón mưa chuyển mùa- Ảnh 2.

Nam bộ chuyển mùa, miền Bắc đón không khí lạnh

Giải thích về tình trạng nắng nóng oi bức những ngày gần đây, Th.S Lê Thị Xuân Lan cho biết: Hiện tại, Nam bộ vẫn chịu ảnh hưởng của áp thấp nóng phía tây. Tuy nhiên gió tây nam cường độ nhẹ, tầng thấp đã bắt đầu xuất hiện và đang mạnh dần lên. Gần đây, những cơn mưa rào nhẹ cũng xuất hiện trên diện hẹp. Do lượng mưa ít, chưa đủ làm mát các khối bê tông cũng như mặt đất bị hun nóng nhiều tháng liền; lượng mưa nhỏ làm cho nước bốc hơi trở lại nhanh hơn làm tăng độ ẩm trong không khí. Quá trình chuyển pha từ thể hơi sang thể lỏng (nước trong mây) lại tỏa thêm nhiệt trở lại nên vẫn nóng và cảm giác rất oi bức khó chịu. Từ ngày 3.5 mưa rào tăng nhẹ hơn một chút khiến tình hình nắng nóng và oi bức vẫn còn. Trong các ngày 4 và 5.5 lượng mưa tiếp tục tăng, đến ngày 6.5 có thể giảm lại.

"Ở những nơi có lượng mưa từ 5 - 10 mm trở lên và thời gian mưa kéo dài mới đủ khiến nhiệt độ giảm đi phần nào. Từ tuần sau lượng mưa và số ngày mưa tăng dần. Nhưng đây cũng chỉ là giai đoạn chuyển mùa. Mùa mưa ở Nam bộ sẽ bắt đầu từ khu vực bán đảo Cà Mau từ giữa tháng 5, sau đó mở rộng dần ra các tỉnh thành khác trong khu vực. Các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và An Giang là những địa phương mùa mưa đến trễ, vào khoảng 20 - 25.5", bà Lan dự báo.

Du khách ở TP.HCM giải nhiệt bằng nhiều cách cùng lúc

Du khách ở TP.HCM giải nhiệt bằng nhiều cách cùng lúc

Chí Nhân

Cũng theo bà Lan, trong khi Nam bộ có mưa chuyển mùa thì miền Bắc tiếp tục đón đợt không khí lạnh mới từ ngày 5.5. Đến ngày 7.5, không khí lạnh có cường độ mạnh hơn tiếp tục tăng cường xuống phía nam ảnh hưởng đến các tỉnh phía bắc nước ta. Điều này làm áp thấp nóng phía tây suy yếu và chuỗi ngày nắng nóng trên phạm vi cả nước sẽ kết thúc. Khoảng ngày 10 - 11.5, đợt không khí lạnh kết thúc, áp thấp nóng phía tây sẽ tăng cường trở lại. Một đợt nắng nóng mới có thể bắt đầu ở các tỉnh miền Trung và Bắc. Lúc này miền Nam đang trong giai đoạn chuyển mùa, gió tây nam hoạt động mạnh hơn khiến mưa xuất hiện thường hơn nên nắng nóng ít gay gắt hơn tháng 4. 

Trong thời gian này, miền Bắc không khí nóng - lạnh đan xen còn miền Nam có mưa chuyển mùa, đây đều là những kiểu thời tiết rất dễ sinh ra các hiện tượng cực đoan như giông, lốc, sét, mưa to và cả mưa đá. Những hiện tượng này thường xuất hiện vào chiều tối. Người dân cần hết sức chú ý phòng tránh cũng như bảo vệ sức khỏe, tài sản. 

39 kỷ lục về nắng nóng chỉ trong 1 ngày

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay trong tháng 4 cả nước xảy ra 3 đợt nắng nóng và ghi nhận đến 110 kỷ lục nhiệt độ. Đặc biệt có đợt nắng nóng gay gắt từ 26 - 30.4, nhiều nơi cao hơn trung bình nhiều năm 2 - 4 độ C. Cao điểm của đợt này rơi vào các ngày 26 - 30.4. Nắng nóng xuất hiện toàn Bắc bộ và Trung bộ. Nhiệt độ trung bình tại Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ cao hơn 2 - 4 độ C so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Ngày 30.4, tại trạm Quỳnh Lưu (Nghệ An) ghi nhận mức nhiệt 42 độ C, cao hơn kỷ lục năm 2019 khoảng 3,6 độ C.

Đặc biệt nhất ngày 27.4 cả nước có đến 27 trạm đo ghi nhận nhiệt độ từ 41 độ C trở lên và có 39 kỷ lục nhiệt được xác lập. Còn ngày 30.4 cả nước có 38 địa phương ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C.

Mức nhiệt độ 44 độ C cũng 2 lần được ghi nhận trong tháng 4 tại Đông Hà (Quảng Trị) ngày 28.4 và Tương Dương (Nghệ An) ngày 30.4. Mức nhiệt này chỉ kém kỷ lục 44,2 độ C được ghi nhận vào ngày 7.5 năm ngoái.

Theo các chuyên gia, năm nay nắng nóng đặc biệt gay gắt và bất thường cũng như mùa mưa đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Nguyên nhân là hiện tượng El Nino có cường độ khá mạnh, dù đã yếu đi và gần như trở về trạng thái trung tính nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn kéo dài trước khi chuyển sang trạng thái La Nina vào khoảng tháng 7 - 8.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.