Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng: Tầm vóc của một nghĩa trủng

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
14/09/2022 07:13 GMT+7

Được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố và đã thoát cảnh bị “lãng quên” sau một thời gian dài, tuy vậy nhiều người cho rằng với tầm vóc không khác gì nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của cả nước, nghĩa trủng Nam Ô xứng đáng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

“...hoặc trung quân hề ái quốc”

Ở gần cuối làng cổ Nam Ô về hướng bắc (thuộc tổ 47, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) có một nghĩa trủng là nơi an nghỉ của khoảng 500 nghĩa sĩ hy sinh trong buổi đầu kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860). Theo lời của các vị bô lão trong làng truyền lại, năm Mậu Ngọ (1858), phía địch đem binh thuyền tấn công vào cửa biển Đà Nẵng. Pháo đài Định Hải (trên hòn Hành), nhà trạm Nam Chơn, đồn Chơn Sảng liên tục bị tấn công bởi đây là vị trí đặc biệt quan trọng do nằm trên đường báo tin giữa quân binh Đà Nẵng với kinh đô Huế.

Theo nhiều ý kiến, nghĩa trủng Nam Ô cùng miếu Âm linh - nơi thờ tự các tử sĩ trận vong - xứng đáng là di tích cấp quốc gia

HOÀNG SƠN

Phòng thủ mặt biển có đồn Hóa Ổ, tấn biển Cu Đê ở bờ nam cửa sông Cu Đê dù được tăng cường phòng thủ nhưng đã bị quân địch xuyên thủng. Quân triều đình thất thủ, số thì thoái lui, số tử trận. Nhiều tài liệu của làng Nam Ô ghi lại, sau chiến trận, quân triều, lính trạm, dân binh, nạn dân... chết rất nhiều. Ngoài một số thi thể được người làng đem về mai táng, còn lại khoảng 500 tử sĩ đến từ những vùng quê (chủ yếu là người miền Trung ngày nay) được vua Tự Đức ban lệnh quy tập mai táng. Nghĩa trủng Hóa Ổ (tên gọi cũ của làng Nam Ô) mọc lên trên một cồn cát cao trong sự ngưỡng vọng của dân làng. Từ đó, người Nam Ô lấy ngày rằm tháng giêng hằng năm làm lễ dẫy mả tử sĩ, thể hiện sự tri ân.

Có điều lạ, dù được an táng ở khu vực gần sát làng nhưng anh linh của các tử sĩ lại được dân làng cung thỉnh về dinh Cô hồn (miếu Âm linh ngày nay) để thờ tự. Theo truyền thống văn hóa của các làng biển Nam Trung bộ, vùng ven biển thường có các miếu, sở thờ âm linh để thờ tự những người đã chết mất xác ngoài biển khơi. Do đó, điểm đặc biệt ở ngôi miếu Âm linh là còn thờ tự các tử sĩ để những anh linh không còn cô quạnh. Người làng Nam Ô cũng đặc biệt tri ân tử sĩ qua 4 chữ Sa trường điếu cổ (tạm dịch: Thương xót người xưa đã chết trên sa trường).

Ngày nay, trong mỗi dịp tế lễ, những bậc cao niên trong làng lại sang sảng đọc bài văn tế ngợi ca công trạng của các anh hùng tử sĩ. Có câu: “Giai vi tứ hải anh hùng hoặc trung quân hề ái quốc/ Tận thị cửu châu hào kiệt hoặc ngự thác hề phòng biên” (Tạm dịch: Đẹp thay anh hùng bốn biển đã trung quân chừ ái quốc/Thấy hết hào kiệt chín châu đã thề chết chừ phòng biên).

Miếu Âm linh, nơi thờ tự các tử sĩ trận vong trong cuộc chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược, đã được công nhận di tích sau nhiều năm

Long đong một danh phận

Trong bài viết Cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải - 155 năm sau nhìn lại đăng trong cuốn Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha 1858 - 1860 (NXB Giáo dục VN, 2014), ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, nhận định: Cái độc đáo chỉ riêng Đà Nẵng mới có là ngay sau khi kết thúc chiến tranh không lâu, lần đầu tiên ở nước ta có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia - nghĩa trủng Phước Ninh và Khuê Trung đều ở Đà Nẵng. NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, phân tích rằng những người dưới trướng Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý tham gia chống Pháp mà hy sinh thì cũng là liệt sĩ (hy sinh vì đất nước trong khi làm nhiệm vụ). Khi được quy tập vào nghĩa trủng này, thì cũng không khác nghĩa trang đầu tiên của cả nước.

Tại TP.Đà Nẵng, khi nhắc đến nghĩa trủng, người ta nghĩ ngay đến 2 nghĩa trủng Khuê Trung và Phước Ninh. Vào năm Tự Đức 19 (1866), nghĩa trủng Hòa Vang (tên cũ của nghĩa trủng Khuê Trung) được lập lần đầu tiên ở làng Nghi An (nay thuộc Q.Cẩm Lệ) với 1.300 ngôi mộ tử sĩ. Nghĩa trủng này được công nhận di tích quốc gia năm 1999. Còn nghĩa trủng Phước Ninh (Q.Hải Châu) được lập từ năm 1876 cũng quy tập hài cốt của những người đã hy sinh trong những trận Pháp đánh Đà Nẵng từ 1858 - 1860 với hơn 1.500 ngôi mộ (đã được cải táng vào nghĩa trang Sơn Gà ở H.Hòa Vang). Năm 1988, di tích này được công nhận di tích quốc gia.

Thế còn nghĩa trủng Nam Ô? Năm 2007, vì cảnh xuống cấp, tiêu điều của nghĩa trủng, người làng Nam Ô đã hiến cúng để tu bổ, trùng tu lại miếu nghĩa trủng cũng như cải táng, sắp xếp lại các ngôi mộ. Trong khi đó, miếu Âm linh, nơi thờ cúng những nghĩa sĩ đồn Nam Ô và tấn biển Cu Đê trận vong, từng đứng trước nguy cơ bị di dời bởi một dự án làm khu du lịch vào năm 2018. Do vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ dư luận, miếu được giữ lại. Năm 2020, miếu này cùng với 6 di tích khác mới được công nhận di tích cấp TP và được tu bổ. Cũng là nghĩa trủng an táng tử sĩ, cũng là một di tích gắn với lịch sử kháng Pháp, thế nhưng danh phận nghĩa trủng Nam Ô thật long đong.

NSND Huỳnh Hùng, người góp công to lớn trong cuộc “giải cứu” thành Điện Hải (sau đó được T.Ư công nhận là di tích quốc gia đặc biệt), cho rằng bên cạnh nghĩa trủng Khuê Trung và Phước Ninh, nghĩa trủng Nam Ô cũng hoàn toàn xứng đáng được công nhận di tích cấp quốc gia. Theo ông Hùng, hiện nghĩa trủng đã có khoảng 500 ngôi mộ và vừa phát hiện thêm một số mộ. “Sau này, có thể gắn kết tổng thể với không gian lân cận như đồn Chơn Sảng, pháo đài Định Hải… để đề nghị cấp trên công nhận là di tích cấp quốc gia, tương xứng với tầm vóc của một nghĩa trủng”, ông Hùng kiến nghị.

(còn tiếp)

Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng

Theo dấu tích 'hải đăng' của người Chăm

Kỳ lạ nơi dày đặc giếng Chăm

Linh thiêng mỏm Hạc

Bí ẩn ngôi mộ 'tiền hiền triệu cơ'

Cuộc lưu lạc ly kỳ của khẩu thần công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.