Đó là Phan Anh Quân (23 tuổi, TP.HCM), sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa, Trường ĐH Văn Lang TP.HCM.
Bắt đầu lên ý tưởng thực hiện cho đồ án “Tích Tịch Tình Tang” vào đầu tháng 3.2022 sau khi Quân tình cờ mua được một bộ bài Tarot về chủ đề cổ tích thế giới, trong đó, có một lá nói về Mai An Tiêm.
“Tôi cảm thấy rất thú vị khi văn hóa truyện cổ tích Việt Nam xuất hiện trong một bộ bài Tarot nước ngoài, tôi mới nghĩ nếu có bộ bài Tarot mà làm tất cả nội dung về cổ tích Việt Nam thì thật tuyệt”, Anh Quân kể lại. Thế là chàng sinh viên ngành thiết kế đồ họa này đã quyết định làm một bộ bài Tarot với hình ảnh các nhân vật cổ tích Việt Nam cho đồ án tốt nghiệp của mình.
Anh Quân đã nhận được 9,2 điểm cho đồ án sáng tạo của mình |
NVCC |
Dù vậy, khi bắt đầu thực hiện đồ án, Quân cũng lo rằng văn hóa của phương Tây làm sao kết nối được với cổ tích Việt, nhưng sau khi nhận ra chúng đều có điểm chung là đưa đến những bài học về cuộc sống, về con người. Và trên thế giới cũng có nhiều bộ bài Tarot lấy chất liệu cổ tích như Trung Đông có bộ “Nghìn lẻ một đêm”, Anh Quân nghĩ Tarot đã kết hợp được với văn hóa khác thì Việt Nam cũng có thể.
Những lá bài Tarot cổ tích Việt Nam do Anh Quân sáng tác |
“Tôi đã đọc rất nhiều các truyện cổ tích Việt Nam từ nhiều trang web khác nhau và mua thêm sách về đọc thêm để biết truyện nào có ý nghĩa tương ứng với lá bài Tarot đó. Từ ngữ nghĩa có sẵn của Tarot mà khi đọc lên câu chuyện hoặc nhắc tới từ khóa là mọi người biết ngay. Ví dụ như lá “The Empress” đại diện cho người mẹ, sự nuôi dưỡng và trù phú thì nhân vật hay truyện cổ tích Việt Nam liên quan sẽ là Âu Cơ”, Anh Quân cho hay.
Do thời hạn chỉ vỏn vẹn 16 tuần, nên bộ bài “Tích Tịch Tình Tang” chỉ bao gồm 22 lá bộ Ẩn Chính thay vì 78 lá như dự định ban đầu của Quân. Những lá bài Tarot này được anh lấy cảm hứng nét vẽ từ tranh dân gian Đông Hồ và tranh Hàng Trống, sửa đổi một số chi tiết Việt Nam cho sản phẩm thuần Việt hơn. Như lá “The Priestess” (Nữ tu sĩ), ngoài hình ảnh đặc trưng về Quan Âm Thị Kính thì còn có rặng tre, đồng tử, hoa sen…
Là cố vấn của Quân, Trần Nguyễn Anh Minh, hiện đang công tác tại Khoa Mỹ thuật và thiết kế, Trường ĐH Văn Lang, cho biết: “Việc sử dụng chuyện cổ tích để thể hiện ngữ nghĩa của Tarot cũng không phải là mới, nhưng khi những câu chuyện được thể hiện rất đỗi thân thuộc với tuổi thơ của người Việt thì cảm giác khác hẳn. Nên tôi thật sự rất ấn tượng với những câu chuyện mà Quân lựa chọn để minh họa cho bộ “Tích Tịch Tình Tang” lần này”.
Lá bài Tarot tượng trưng cho Âu Cơ và Lạc Long Quân |
“Văn hóa Việt Nam rất thú vị nhưng ở các bạn trẻ thì việc tiếp nhận lại rất khó vì chỉ có thể thấy ở bảo tàng hoặc những quyển sách hơi hàn lâm. Nên việc những phương tiện tiếp cận mới hơn, trẻ trung hơn như bài Tarot sẽ tạo sự tò mò và tìm hiểu văn hóa cho các bạn”, Anh Quân bộc bạch.
Những hình ảnh đều được Quân vẽ trên máy tính bảng |
THƯỢNG HẢI |
Ông Nguyễn Thanh Long, giảng viên Trường ĐH Văn Lang, cho hay: “Việc Quân kể lại câu chuyện cổ tích theo phong cách sáng tạo của mình thì tôi nghĩ nó giúp người trẻ dễ dàng tiếp cận và yêu mến vốn cổ của ông cha ta. Hãy để người trẻ nói tình yêu với văn hóa bằng phong cách của họ, như truyện cổ tích nếu chỉ trói vào tư liệu thì rất khó để người trẻ cảm nhận. Cho nên, các bạn hãy tìm hiểu thật kỹ và mạnh dạn làm những điều mình muốn vì dù có làm gì thì mình cũng là người Việt Nam, nếu vẽ - viết - nói về những điều của dân tộc thì rất lợi thế”.
Chủ nhân của “Tích Tịch Tình Tang” cho hay hiện tại bộ bài cần phải sửa lại một vài lỗi và anh sẽ cố gắng hoàn thành 78 lá theo dự tính của mình với hy vọng trong tương lai sẽ có một bộ bài hoàn chỉnh được lên kệ.
Bình luận (0)