Nam sinh làm 'áo giáp' bảo vệ hạt giống

15/11/2024 08:00 GMT+7

Từ phụ phẩm nông nghiệp, nam sinh Thạch Hoàng Anh làm ra "áo giáp" giúp bảo vệ, cung cấp dinh dưỡng cho hạt giống khi ươm.

Thạch Hoàng Anh hiện là sinh viên năm 2, ngành tài chính ngân hàng, Trường ĐH Cần Thơ. Chàng trai Khmer quê ở Trà Vinh, một tỉnh giáp biển và có những khu rừng ngập mặn. Từ khi học THPT, Hoàng Anh đã nung nấu ý tưởng góp phần phủ xanh cho những cánh rừng ngập mặn có diện tích ngày càng thu hẹp ở quê hương mình.

Nam sinh làm 'áo giáp' bảo vệ hạt giống- Ảnh 1.

Thạch Hoàng Anh có nhiều năm theo đuổi ý tưởng làm “áo giáp” bảo vệ hạt giống

ẢNH: THANH DUY

Theo Hoàng Anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm diện tích rừng ngập mặn. Trong đó, hạt giống không sống được trước sự tác động của môi trường (gió, bão, sóng biển) và biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt là rất đáng kể. Lý do này khiến Hoàng Anh nghĩ tới việc làm "áo giáp" cho hạt giống, nhằm giảm rủi ro trong quá trình ươm. Sau nhiều năm nghiên cứu, Hoàng Anh tìm ra cách kết hợp tối ưu giữa những phụ phẩm nông nghiệp (bã cà phê, rơm rạ, nấm trichoderma…) để làm ra "áo giáp" cho hạt giống bằng phiên bản phân hữu cơ.

Vừa qua, "áo giáp" hạt giống là 1 trong 5 sản phẩm xuất sắc nhất tại Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp thanh niên Cần Thơ năm 2024. Đó là sản phẩm dạng viên, đường kính khoảng 3 cm, được cấu tạo bởi 2 lớp áo bảo vệ. Từ ngoài vào, lớp đầu tiên làm từ bã cà phê trộn với nấm tricoderma và hợp chất keo hữu cơ tạo màng. Lớp thứ 2 kết hợp giữa nấm tricoderma và rơm rạ mục. Còn giống cây nằm ở vị trí trung tâm.

Hoàng Anh ứng dụng công nghệ nhả chậm thông minh có khả năng kiểm soát, giảm rửa trôi dinh dưỡng. Thông thường, công nghệ này sử dụng màng polymer để bao bọc. Tuy nhiên, "áo giáp" hạt giống thì dùng keo hữu cơ, làm từ thực vật lên men và phân hữu cơ để tạo ra enzyme làm lớp màng phủ bên ngoài. Lớp màng này có khả năng phân hủy sinh học, thân thiện môi trường.

Về tính năng của "áo giáp" hạt giống, Hoàng Anh cho biết khi chưa sử dụng (tức chưa gieo xuống đất - PV), 2 lớp áo bên ngoài sẽ ngăn chặn sự tấn công của các loại côn trùng gây hại. Còn khi bón vào đất, lớp áo ngoài sẽ tan rã dần. Độ ẩm ngoài môi trường xuyên qua lớp áo thứ 2 đến hạt giống. Lớp áo này có tác dụng bổ sung dinh dưỡng cho rễ cây sinh trưởng và phát triển một cách vừa đủ. Qua định lượng được tính toán kỹ, lớp áo này giúp cây hút dinh dưỡng từ từ, đảm bảo đủ nhưng không bị ngộ độc.

Nam sinh làm 'áo giáp' bảo vệ hạt giống- Ảnh 2.

“Áo giáp” hạt giống thành phẩm dạng viên, cấu tạo bởi 2 lớp bảo vệ

Năm 2021, dự án "áo giáp" hạt giống được Kiểm lâm tỉnh Trà Vinh triển khai thí điểm với cây gõ nước tại 2 nơi có rừng ngập mặn là cù lao Long Trị (TP.Trà Vinh) và xã Mỹ Long Nam (H.Cầu Ngang). Loại cây này nằm trong sách Đỏ, sắp nguy cấp. Qua so sánh với ươm bầu trong giá thể, "áo giáp" hạt giống cho cây con phát triển nhanh hơn. Rễ, thân, cành, chồi đỉnh, lá đều phát triển hoàn chỉnh, tỷ lệ thử nghiệm đạt 9/10. Ngoài rừng ngập mặn, có thể ứng dụng "áo giáp" hạt giống để ươm giống cây quý hiếm, cây chịu hạn, cây dược liệu, cây thường xanh…

"Áo giáp" hạt giống thành phẩm có giá 30.000 đồng/kg, chỉ cung cấp cho các dự án trồng cây gây rừng. Ngoài ra, Hoàng Anh còn sản xuất "áo giáp" dạng thô (chỉ 2 lớp vỏ không bao gồm hạt giống - PV) dùng bón phân trong các vườn cây ăn trái, vườn ươm giống. Tùy thời điểm, giá bán ra thị trường từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Tháng 2.2023, Hoàng Anh đã hợp tác cung ứng sản phẩm thô cho một doanh nghiệp. Hiện sản phẩm được nhiều nông dân ở Trà Vinh và Vĩnh Long sử dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.