Năm trường hợp không được tinh giản biên chế

Thu Hằng
Thu Hằng
14/11/2022 16:43 GMT+7

Trước thực trạng một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng đối tượng, Bộ Nội vụ đã yêu cầu báo cáo, giải trình về việc thực hiện chính sách này.

Ngày 14.11, Bộ Nội vụ cho biết, vừa ban hành Công văn 5670/BNV-TCBC gửi các bộ, ngành, địa phương về thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Người dân đến "bộ phận 1 cửa" của TP.Thủ Đức (TP.HCM) nộp hồ sơ, thủ tục hành chính

SỸ Đông

Theo Bộ Nội vụ, trong thời gian qua, bộ này đã nhận được báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế của các bộ, ngành, địa phương để kiểm tra theo quy định.

Qua kiểm tra kết quả thực hiện tinh giản biên chế, có một số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng đối tượng nên Bộ Nội vụ đã phải yêu cầu báo cáo, giải trình và đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với 5 trường hợp sau:

Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ mà vẫn bố trí vào làm công chức, viên chức hoặc cán bộ cấp xã.

Công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn đề nghị giải quyết tinh giản biên chế.

Công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ đề nghị giải quyết tinh giản biên chế nhưng vẫn được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định.

Chưa đủ thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để tinh giản biên chế ở tuổi nghỉ hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.

Công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng không làm rõ được việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Để tránh trường hợp phải khắc phục việc giải quyết tinh giản biên chế không đúng quy định, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện tinh giản biên chế đúng đối tượng, áp dụng đúng chế độ, chính sách tinh giản biên chế và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Quản lý, sử dụng biên chế vẫn còn hạn chế

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến hết tháng 6.2022, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ- CP của Chính phủ ở các bộ, ngành, địa phương là 78.234 người (chiếm tỷ lệ 22,6% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021). Trong đó, các bộ, ngành là 5.451 người và địa phương là 72.783 người.

Riêng năm 2021, số lượng công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước được giao là 247.722 biên chế, giảm 27.530 biên chế. Trong đó, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 10,01%; biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách giảm được 11,67%; công chức cấp xã đã giảm được 9% so với số năm 2015, như vậy tính chung cả nước đã đạt được mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo nghị quyết của Đảng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc quản lý, sử dụng biên chế ở các bộ, ngành, địa phương vẫn còn có mặt hạn chế như: sử dụng biên chế sự nghiệp (viên chức) để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các cơ quan, tổ chức hành chính; định mức biên chế sự nghiệp lạc hậu nhưng chưa được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế (chiếm trên 89,4% số biên chế sự nghiệp).

Việc đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn chậm và chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế tuy đạt được chỉ tiêu về số lượng nhưng còn mang tính cơ học, chưa thực sự gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.