Đánh đổi đời mẹ, mong sáng đời con
Dọc bờ sông Cái Cui và sông Kinh (thuộc xã Xuân Hòa, H.Kế Sách, Sóc Trăng) có hàng trăm lò than đang hoạt động. Đây là một trong những làng nghề sản xuất than lớn và lâu đời nhất miền Tây.
Nơi đây, có hàng ngàn lao động, trong đó có khoảng 50% là phụ nữ, tham gia vào các công đoạn: đưa củi từ ghe lên bờ, vô lò đốt rồi ra than. Công việc vất vả, đặc biệt vào mùa nắng nóng, nhưng vì là sinh kế duy nhất để trang trải cuộc sống gia đình, lo cho con cái ăn học nên hầu hết chị em vẫn gắn bó với nghề.
Tùy vào thời điểm, mùa vụ sản xuất, công việc của những phụ nữ này thay đổi liên tục. Khi thì chất than vào lò đốt, có bốc dỡ than, sàng lọc than nguyên, than vụn… Thu nhập bình quân của mỗi người từ từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày.
Bà Võ Thị Phương (59 tuổi, ngụ xã Xuân Hòa, H.Kế Sách) được xem là một trong những nhân công lớn tuổi nhất vẫn còn bám trụ với nghề hầm than. Tuổi cao, không thể làm công nhân cho các công ty, xí nghiệp nên bà xin làm việc ở lò than. Tiền công đủ để bà xoay xở áo cơm qua ngày và nuôi đứa con út đang học cấp 3.
"Nhà có 4 người. Mấy đứa lớn đã lập gia đình, nhưng do nghèo khó nên phải ly hương làm ăn xa. Bản thân tôi tự xoay xở để nuôi đứa con út đang học cấp 3. Trong mấy anh chị, nó là đứa học cao nhất nên dù cực cỡ nào cũng ráng lo để tương lai của nó sáng sủa, không phải làm nghề cực khổ như tôi", bà Phương chia sẻ.
Đối mặt nhiều bệnh đường hô hấp
Khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, mắt mũi đen nhẻm vì dính bụi than, bà Nguyễn Thị Nhẫn (56 tuổi, ngụ xã An Lạc Tây, H.Kế Sách) lau vội mồ hôi lấm tấm trên mặt cho biết, gia đình khó khăn nên đến lò than xin vào làm việc. Bà chụm lửa, bốc dỡ than; còn chồng và con trai khuân vác, vận chuyển than xuống ghe hoặc chất lên xe tải.
"Trong các công đoạn, tôi sợ nhất là lúc dỡ lò, đem than ra vì ngộp, bụi bặm và nóng dữ lắm. Những ngày này, ngoài trời nắng nóng, nhưng đối với người làm nghề hầm than thì chả là gì, bởi trong đây nóng ngạt thở. Nhiều người mới làm không quen, suýt bị ngất mấy lần. Bản thân tôi cũng từng gặp trường hợp như vậy, người làm chung phải đỡ tôi ra ngoài lò cho thoáng khí. Về sau, làm quen rồi thì không còn ngạt thở nữa", bà Nhẫn kể.
Ngoài chuyện tay chân chai sần, phồng rộp do bốc than nóng, những người phụ nữ ở lò than còn phải đối mặt với nhiều bệnh về đường hô hấp. Dù có mang bao nhiêu lớp khẩu trang, bịt mặt kỹ đến mấy, khi về nhà vẫn thấy bụi than bám đen lỗ mũi, khóe mắt. Nhưng nghề này có thu nhập lo cho con cái nên ai cũng gắn bó.
Bà Võ Ngọc Yến (50 tuổi, ngụ xã Xuân Hòa, H.Kế Sách) cho biết: "Tôi gắn bó với nghề hầm than nhiều năm và chịu cực khổ quen rồi. Cũng nhờ nghề này mà nhiều gia đình không ruộng vườn như tôi có thu nhập ổn định. Ở đây ai cũng nói, khi nào già làm hết nổi mới thôi".
Làng nghề làm than xã Xuân Hòa tồn tại hàng chục năm qua và được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2008. Hiện, toàn xã có trên 900 lò than với gần gần 3.000 lao động. Hằng năm, nơi đây cung cấp ra thị trường hàng trăm ngàn tấn than.
Dù nghề truyền thống, nhưng do khói bụi ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân nên địa phương cũng đã tính đến phương án quy hoạch thành khu tập trung, cũng như đầu tư thiết bị xử lý khí thải.
Bình luận (0)