NASA, Lầu Năm Góc hợp lực phát triển rốc két hạt nhân cho sứ mệnh sao Hỏa

25/01/2023 07:03 GMT+7

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang hợp tác với một cơ quan thuộc Lầu Năm Góc để phát triển động cơ rốc két chạy bằng năng lượng hạt nhân cho các sứ mệnh đưa con người đến sao Hỏa.

NASA

NASA đang đặt mục tiêu đưa con người đến sao Hỏa trong thập niên 2030

Hôm 24.1 (giờ Mỹ), Giám đốc NASA Bill Nelson tuyên bố cơ quan của ông sẽ bắt tay với Cơ quan các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc cho mục tiêu “sớm nhất là đến năm 2027 sẽ phát triển và chứng minh công nghệ đẩy nhiệt hạt nhân hiện đại”.

“Với sự hỗ trợ của công nghệ mới, các nhà du hành vũ trụ có thể đẩy nhanh cuộc hành trình trong không gian với tốc độ chưa từng có. Đây là năng lực chính nhằm chuẩn bị cho các sứ mệnh đưa người đến hành tinh đỏ”, AFP hôm 25.1 dẫn lời ông Nelson.

DARPA là nhánh nghiên cứu và phát triển của Lầu Năm Góc, đóng vai trò chính trong nhiều phát kiến mới của thế kỷ 20, bao gồm mạng internet.

Theo NASA, các rốc két vận hành nhờ vào động cơ đẩy nhiệt hạt nhân có thể mang đến hiệu quả cao gấp 3 lần hoặc hơn so với động cơ đẩy theo cơ chế hóa học thông thường, đồng thời giảm thời gian vận chuyển, điều then chốt cho sứ mệnh đến sao Hỏa.

Trong một động cơ nhiệt hạt nhân, lò phản ứng nhiệt hạch được sử dụng để tạo ra nhiệt độ cực cao.

Phát hiện sao Hỏa có mức oxy lớn, "thách thức quan niệm hiện hữu"

Nhiệt từ lò phản ứng được truyền cho chất đẩy lỏng, từ đó trở thành khí đốt và tạo nên lực đẩy.

“DARPA và NASA có bề dày lịch sử hợp tác đầy thành công”, Giám đốc DARPA Stefanie Tompkins nói, dẫn chứng ví dụ điển hình là dòng rốc két Saturn V từng đưa những phi hành gia đầu tiên lên mặt trăng.

“Chương trình rốc két nhiệt hạt nhân sẽ rất cần thiết trong việc đẩy nhanh hoạt động vận chuyển vật liệu cho mặt trăng, và theo thời gian sẽ cho phép đưa con người đến sao Hỏa.

Cách đây hơn 50 năm, NASA đã thử nghiệm động cơ rốc két nhiệt hạt nhân, nhưng chương trình bị hủy bỏ do cắt giảm ngân sách và tình trạng căng thẳng thời chiến tranh lạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.