Người mắc hội chứng chuyển hóa có nguy cơ bị xơ vữa động mạch, dẫn đến bệnh tim. Hội chứng chuyển hóa cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Nhiều yếu tố góp phần vào sự hình thành và phát triển của hội chứng chuyển hóa, bao gồm chế độ ăn uống kém, không hoạt động thể chất, béo phì và di truyền. Tuy nhiên, nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa có thể giảm và thậm chí đảo ngược nếu một số thực phẩm lành mạnh được đưa vào chế độ ăn uống của bạn.
Sau đây là một số thực phẩm nên dùng và nên tránh để phòng ngừa hội chứng chuyển hóa, theo Bold Sky.
Nên dùng
1. Thực phẩm giàu carbohydrate phức hợp
Carbohydrate phức hợp có thể giúp ngăn chặn sự gia tăng lượng đường trong máu, giảm cân và giảm cholesterol “xấu” (LDL).
Các loại carbohydrate phức hợp như khoai tây, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, ngô, gạo nâu, bột yến mạch, lúa mạch, diêm mạch có thể là một phần của chế độ ăn uống dành cho những người bị hội chứng chuyển hóa, theo Bold Sky.
2. Thực phẩm giàu chất xơ
Thêm chất xơ vào chế độ ăn uống của bạn có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ bằng cách giảm cholesterol “xấu” (LDL) và tăng cholesterol “tốt” (HDL). Một chế độ ăn giàu chất xơ cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì, huyết áp cao và ung thư ruột kết.
Thực phẩm có nguồn chất xơ tốt là trái cây, rau, yến mạch, lúa mạch, đậu lăng, diêm mạch, gạo lứt và bánh mì ngũ cốc.
3. Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh
Chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa có tác dụng tốt cho sức khỏe. Chúng được tìm thấy trong các loại thực phẩm như cá béo, quả hạch, các loại hạt, những loại dầu thực vật như ô liu, nghệ tây, ngô và đậu nành.
Dùng những loại thực phẩm này có thể ngăn ngừa huyết áp cao và xơ vữa động mạch (sự hình thành các chất béo tích tụ trong động mạch), qua đó làm giảm nguy cơ mắc phải hội chứng chuyển hóa.
4. Sữa
Đạm whey, a xít amin, canxi và các khoáng chất khác có trong sữa có thể giúp kiểm soát cân nặng và giảm huyết áp. Ngoài ra, sự hiện diện của vi khuẩn sinh học, peptide và đạm trong sữa cũng có thể làm giảm cholesterol huyết tương, theo Bold Sky.
Nên hạn chế
1. Thực phẩm có đường
Các loại thực phẩm có đường như đồ uống có đường, soda, nước ép trái cây đóng chai, khoai tây chiên, gạo trắng, bánh mì trắng và đồ ngọt có chứa đường là một loại carbohydrate đơn giản. Việc hấp thu các carbohydrate đơn giản đã được chứng minh có thể làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và các bệnh khác, theo Bold Sky.
2. Chất tạo ngọt nhân tạo
Dùng thực phẩm chứa chất tạo ngọt nhân tạo có thể làm tăng mức đường huyết, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 - một tác nhân rủi ro quan trọng của hội chứng chuyển hóa. Một số chất tạo ngọt nhân tạo phổ biến là aspartame, sucralose, saccharin và stevia, theo Bold Sky.
3. Thực phẩm giàu chất béo bão hòa
Chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu, dẫn đến xơ vữa động mạch. Vì vậy, tránh ăn chất béo bão hòa có trong những loại thực phẩm như sản phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo cao, thịt mỡ, bánh ngọt, bánh nướng, dừa và dầu cọ.
4. Thực phẩm giàu natri
Ăn thực phẩm giàu natri có thể làm tăng huyết áp và mức insulin. Natri được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm nhưng trong quá trình chế biến và chuẩn bị, rất nhiều muối được thêm vào. Một lượng lớn natri có thể được tìm thấy trong thực phẩm đóng hộp và chế biến vì vậy tốt hơn là hạn chế dùng chúng.
Natri có thể được tìm thấy trong rau đóng hộp, rau trộn và nước xốt, nước tương, súp đóng hộp, mì ăn liền, sốt mù tạt, sốt cà chua, pudding và bánh hỗn hợp, nước sốt mì ống, các loại hạt ướp muối và khoai tây chiên. Natri cũng được tìm thấy trong muối ăn, vì vậy hãy sử dụng chúng với số lượng hạn chế trong chế độ ăn uống của bạn, theo Bold Sky.
Bình luận (0)