Nhà đầu tư đang chờ cơ hội
Thông tin trên được các chuyên gia khuyến nghị tại Tọa đàm: "Triển vọng đầu tư 2022 - FiinGroup Invest Summit" diễn ra chiều 25.2, dưới sự bảo trợ truyền thông của Tạp chí Kinh tế Việt Nam (phát sóng trực tuyến trên nền tảng VnEconomy.vn và Fanpage VnEconomy).
Nhà đầu tư sẽ khó kiếm lợi nhuận hơn trong năm 2022 từ cổ phiếu |
ngọc thắng |
Đây là sự kiện thường niên được FiinGroup (Công ty phân tích dữ liệu tài chính tại Việt Nam) tổ chức vào đầu mỗi năm, với mong muốn cung cấp cho nhà đầu tư góc nhìn phân tích độc lập, chuyên sâu về các kênh đầu tư chính trên thị trường vốn Việt Nam, gồm cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản.
Theo đánh giá của các chuyên gia đến FiinGroup, chỉ số VN-Index hiện vẫn dao động quanh mốc 1.500 điểm trong khi thanh khoản còn khá yếu trong giai đoạn 2 tháng đầu năm 2022. Mức thanh khoản bình quân của cả ba sàn chứng khoán HOSE, HNX và UPCoM trong gần hai tháng đầu năm 2022 chỉ tương đương mức bình quân năm 2021 và bằng khoảng 80% so với bình quân của thời kỳ đỉnh cao là quý 4/2021.
Số tài khoản mở mới tăng mạnh, dòng tiền cho vay margin tăng từ 150.000 tỉ đồng tại 30.9.2021 lên 175.00 tỉ đồng vào cuối năm 2021 và số dư tiền gửi trên thị trường của nhà đầu tư ở mức cao. Tâm lý chung của thị trường là chờ đợi, nhà đầu tư vẫn đang ngóng chờ những yếu tố tích cực để có thể “giải ngân” trong thời gian tới.
Về bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021, FiinGroup đánh giá có 2 điểm nổi bật: thứ nhất, lợi nhuận toàn thị trường tăng trưởng rất cao (+43%). Thứ hai, tăng trưởng chỉ tập trung ở một số nhóm ngành nhất định, bao gồm ngân hàng, chứng khoán, nhóm ngành hưởng lợi từ Covid-19 như logistics và vận tải thủy, nhóm hàng hóa như thép, dầu khí, phân bón, hóa chất. Những nhóm ngành này đóng góp tới 80% vào tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường trong năm 2021 mặc dù chỉ chiếm chưa đến 20% vốn hóa.
Năm 2022 lợi nhuận có thể tăng trưởng 20%
Về triển vọng tăng trưởng năm 2022, số liệu và phân tích của FiinGroup đã chỉ ra rằng, tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức 20% trong năm 2022 và thị trường sẽ chứng kiến sự “đổi chiều tăng trưởng” mạnh mẽ giữa các nhóm ngành.
Đối với ngành ngân hàng, dự kiến sẽ vượt trội hơn so với khối doanh nghiệp phi tài chính. Đây là điểm khác biệt so với năm 2021 khi lợi nhuận ngành ngân hàng tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng chung của thị trường. Ngành ngân hàng được dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 20 - 25% năm 2022 nhờ các yếu tố: tín dụng dự kiến tăng 14% với sự hồi phục kinh tế cùng gói kích thích của chính phủ; hệ số NIM tiếp tục duy trì kể cả khi lãi suất huy động tăng do các ngân hàng sẽ cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp…
Nhiều ngành tăng trưởng mạnh trong năm 2021 dự kiến có lợi nhuận tăng chậm lại hay gần như không tăng trưởng trong năm 2022, trong đó bao gồm thép, cao su và logistics. Những nhóm suy giảm do Covid-19 dự kiến hồi phục mạnh trong năm nay khi các hoạt động kinh tế bình thường trở lại gồm hàng cá nhân, dược phẩm, bán lẻ, điện và đồ uống.
Về chỉ số Vn-Index, FiinGroup cho biết định giá tính theo lợi nhuận (tức là P/E) của các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường đã tăng, định giá P/E của VN-Index hiện ở mức 17,2x. Vì vậy, trên nền định giá cao như hiện tại, để giá cổ phiếu có thể tăng tiếp thì lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết cần phải tăng tương ứng hay thậm chí tăng cao hơn P/E. Do vậy những cổ phiếu có tăng trưởng dự kiến cho năm 2022 thấp hơn P/E sẽ có thể gặp rủi ro khi nhìn trên chiều dài một năm nếu không kể lướt sóng ngắn hạn.
Ngoài ra, nhà đầu tư cần quan tâm tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 liệu có tiếp diễn được sang năm 2023 hay không. Nếu câu chuyện tăng trưởng không còn kéo dài sang năm 2023, cổ phiếu có khả năng chỉ tăng được nửa đầu năm và đối mặt với rủi ro đảo chiều trong nửa cuối năm giống như diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu thép trong năm 2021 (tăng mạnh nửa năm và giảm mạnh cuối năm).
Các chuyên gia tham gia tọa đàm |
t.p |
Từ những phân tích trên, FiinGroup dự báo, đối với cổ phiếu của nhóm ngành giúp tránh rủi ro lạm phát thì điện và dược phẩm sẽ có lợi thế. Riêng với ngành dược phẩm, một số doanh nghiệp có nhà máy mới sắp đi vào hoạt động nên tăng trưởng cao của ngành có thể kéo dài sang năm 2023. Về dự báo năm 2022, số liệu của FiinGroup cho thấy tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của ngành được dự báo ở mức 35% năm 2022 trong khi tăng trưởng năm 2021 ở mức 8%. Chỉ số giá cổ phiếu ngành đã tăng khoảng 19% năm 2021.
Đối với cổ phiếu kỳ vọng từ hưởng lợi từ đầu tư công đang triển khai gồm: ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng. Trong đó, nhóm ngân hàng được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng lợi nhuận tốt các yếu tố đã nêu trên.
Cuối cùng, nhóm ngành hưởng lợi từ cầu hồi phục sau Covid-19 là bán lẻ, hàng cá nhân, thủy sản. Với bán lẻ, triển vọng tăng trưởng 2022 sẽ rất phân hóa trong nội bộ ngành và cơ hội sẽ đến với những doanh nghiệp có lợi nhuận năm 2021 tăng thấp hơn so với trung bình ngành. Hàng cá nhân là câu chuyện tăng trưởng trên nền suy giảm của năm 2021, trong khi thủy sản dù tăng trưởng ghi nhận ở mức cao trong năm 2021 nhưng vẫn chưa về mức trước Covid-19.
Ngoài ra, chi phí vận chuyển hạ nhiệt và chi phí liên quan đến Covid-19 được cắt giảm mạnh sẽ là yếu tố giúp các doanh nghiệp trong ba nhóm ngành này cải thiện biên lợi nhuận trong năm 2022.
Bình luận (0)