Học sinh TP.HCM sau giờ làm bài thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020 - 2021 |
LÊ THANH |
Mỗi người đều có kỳ vọng và ước mơ khác nhau
Theo thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, giảng viên thỉnh giảng của Trường ĐH Hoa Sen, trong cuộc sống ai cũng có những ước mơ và kỳ vọng của mình. Cha mẹ và con cái cũng thế.
“Nhưng nếu những ước mơ, kỳ vọng của cha mẹ và con cái trùng hợp với nhau thì quá tuyệt vời. Thế không trùng hợp thì sao? Con người sinh ra và lớn đều có những tố chất và năng lực khác nhau nên ước mơ, kỳ vọng cũng sẽ khác nhau là điều đương nhiên. Chính nhờ có những cái khác nhau ấy, mới tạo ra những đặc điểm độc đáo riêng của từng người mà tạo hoá ban tặng cho chúng ta”, thạc sĩ Minh Hải chia sẻ.
Ông Hải dẫn câu chuyện nghiên cứu của tiến sĩ Howard Earl Gardner, một nhà tâm lý học nổi tiếng của Mỹ, ông đã nghiên cứu và đưa ra kết luận một đứa trẻ có 8 loại trí thông minh. Và bất cứ đứa trẻ nào cũng có tối thiểu 1 trong 8 trí thông minh (toán học, không gian, vận động cơ thể, tương tác giao tiếp, nội tâm, âm nhạc nghệ thuật, ngôn ngữ và thiên nhiên).
Hãy để cho trẻ khám phá, tìm hiểu xung quanh để biết được bản thân sẽ thích gì và phù hợp với khả năng, sở trường của mình |
LÊ THANH |
“Vì thế, khi cha mẹ thấy con cái có xu hướng thích và chọn một lĩnh vực nghề nghiệp nào đó không giống với kỳ vọng của mình thì hãy hết sức bình tĩnh. Cha mẹ nên tìm hiểu và trao đổi với con để con có cơ hội trình bày nguyện vọng thay vì giận dữ la mắng, dẫn đến mâu thuẫn giữa cha mẹ và các con”, thạc sĩ Minh Hải nói.
Ông Hải cho biết: “Ngày nay, phương tiện truyền thông đại chúng phát triển nên khả năng cập nhật thông tin về ngành nghề mới của con trẻ có khi còn nhanh nhạy và kịp thời hơn cả cha mẹ. Cho nên, cha mẹ cũng cần dành thời gian để cập nhật thông tin về ngành nghề mới để hiểu con mình hơn”.
Cha mẹ kỳ vọng nhưng không áp đặt
Cũng bàn về vấn đề này, thạc sĩ giáo dục học Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn Kỹ năng (Trường ĐH công nghệ TP.HCM), chia sẻ: “Trong lĩnh vực học tập, nếu kết quả học tập của con không đạt kỳ vọng của cha mẹ thì cha mẹ cần có những xử lý khéo léo để đồng hành và hỗ trợ con tốt hơn”.
Phụ huynh đợi con bên ngoài hội đồng thi trong kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM |
LÊ THANH |
Vậy cha mẹ đồng hành và hỗ trợ con như thế nào cho tốt? Thạc sĩ Thảo nói: “Trước tiên, cha mẹ cần phải hiểu rõ được kết quả học tập của con mình vì sao không tốt. Điều này có ảnh hưởng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: năng lực học tập, tình trạng sức khỏe, trạng thái tâm lý… và những yếu tố này đều có tính riêng biệt ở mỗi cá nhân. Do đó, sự kỳ vọng của cha mẹ phải phù hợp với tình hình thực tế của con mình. Thứ hai, biết đâu bản thân con bạn cũng đang chịu cảm giác không thoải mái với kết quả đó. Cho nên, việc biểu hiện sự thất vọng hay giận dữ của cha mẹ dễ dẫn đến có nguy cơ làm xuất hiện cảm xúc tiêu cực và gia tăng áp lực lên con, điều này không có lợi cho việc tập trung học tập và đời sống tinh thần của con bạn”.
Thạc sĩ Thảo đồng thời lưu ý: “Cha mẹ nên kiểm soát cảm xúc, giúp con bình tĩnh và vượt qua giai đoạn áp lực. Nói chung, cả cha mẹ và con cái khi đã vượt qua được những cảm xúc tiêu cực thì cùng nhau tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục để làm tốt hơn. Cha mẹ cũng cần hỗ trợ những thứ khi con bạn cần, cùng con lên kế hoạch cụ thể, phù hợp để cải thiện tốt nhất với khả năng phát triển của con mình chứ không phải chỉ dựa trên thước đo kỳ vọng theo kiểu áp đặt của cha mẹ”.
Bình luận (0)