Nga cáo buộc phương Tây phá hoại thỏa thuận hòa bình với Ukraine

24/01/2023 09:51 GMT+7

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Moscow từng sẵn sàng đi đến một thỏa thuận hòa bình với Kyiv ngay sau khi xung đột bùng nổ hồi tháng 2.2022, nhưng Mỹ và các nước phương Tây khác khuyên Kyiv không nên đàm phán.

Phát biểu tại Nam Phi hôm 23.1, ông Lavrov quy trách nhiệm cho phương Tây đối với việc nỗ lực đàm phán giữa Nga và Ukraine bị đình trệ lâu nay, theo báo The Washington Post.

"Ai cũng biết rằng chúng tôi ủng hộ đề xuất của phía Ukraine về việc đàm phán ngay trong những đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt và đến cuối tháng 3, hai phái đoàn đã thống nhất về nguyên tắc giải quyết cuộc xung đột này", ông Lavrov nói với tờ báo.

Nga cáo buộc phương Tây phá hoại thỏa thuận hòa bình với Ukraine

"Một chuyện cũng được nhiều người biết và được chia sẻ công khai là các đồng nghiệp Mỹ, Anh và một số đồng nghiệp châu Âu của chúng tôi nói với Ukraine rằng còn quá sớm để thương lượng và chế độ ở Kyiv sau này không bao giờ xem xét lại thỏa thuận gần như đã được thống nhất đó", ngoại trưởng Nga nói.

Ukraine và Mỹ chưa lập tức bình luận về những tuyên bố của ông Lavrov.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Pretoria, Nam Phi, ngày 23.1

reuters

Trong những tuần sau khi Nga bắt đầu chiến dịch ở Ukraine, một số cuộc đàm phán hòa bình đã diễn ra nhưng không đạt được kết quả giữa lúc Nga tiếp tục ném bom các thành phố của Ukraine. Vào cuối tháng 3, các cuộc đàm phán rất được mong đợi đã diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi đó nói ông nhận thấy một số dấu hiệu "tích cực".

Các nhà đàm phán Ukraine đã đồng ý duy trì tình trạng trung lập nếu Ukraine nhận được sự đảm bảo an ninh đầy đủ từ phương Tây, đáp ứng một yêu cầu lớn của Nga. Trong khi đó, Moscow đã đồng ý "cắt giảm cơ bản" hoạt động quân sự gần Kyiv và Chernihiv, hành động mà Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin nói là để "tăng cường sự tin cậy lẫn nhau".

Tuy nhiên, ông Zelensky cũng bày tỏ hoài nghi, nói rằng: "Người Ukraine không phải là những người ngây thơ".

Ngoại trưởng Lavrov nói phương Tây và Nga gần như đang có "cuộc chiến thực sự"

Các cuộc đàm phán đã không dẫn đến hòa bình, hay thậm chí là ngừng bắn, với việc Tổng thống Putin ngày 12.4 nói rằng hòa đàm đã đi đến "ngõ cụt".

Hồi tháng 4, ông Lavrov nói với truyền thông Nga rằng Ukraine quyết định ngừng đàm phán theo lời khuyên của các "đồng nghiệp" Mỹ và Anh - quan điểm mà ông vẫn giữ cho đến nay.

Theo Ukrainska Pravda, một cơ quan truyền thông của Ukraine, các cuộc đàm phán đã bị hủy bỏ sau khi thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson đến Kyiv gặp ông Zelensky. Ông Johnson đã khuyên tổng thống Ukraine rằng không nên đàm phán với ông Putin. Vào thời điểm đó, Ukraine cũng đang thu thập bằng chứng về tội ác chiến tranh sau vụ giết hại thường dân ở Bucha hồi cuối tháng 3.

Cả Nga và Ukraine đều không đưa ra những dấu hiệu cho thấy hai bên sắp có một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Hồi tháng 12, báo The New York Times đưa tin rằng cả Ukraine và Nga đều khẳng định họ sẵn sàng hòa đàm, nhưng cả hai đều đặt ra các điều kiện cứng rắn để ngồi vào bàn đàm phán.

Ukraine đã đề xuất một hội nghị hòa bình vào tháng 2.2023, dựa trên các nguyên tắc của kế hoạch hòa bình 10 điểm, nhưng cho biết họ sẽ chỉ cho phép Nga tham gia nếu nước này đồng ý đứng trước tòa án xét xử tội phạm chiến tranh, theo AP.

Trong khi đó, Moscow đã nói rằng Kyiv cần phải chấp nhận việc Nga đơn phương sáp nhập các tỉnh Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia của Ukraine như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.