Nga hành động, khủng hoảng Ukraine thêm khó lường

23/02/2022 06:00 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin ra quyết định công nhận độc lập 2 vùng của phe đòi ly khai Ukraine dẫn đến căng thẳng dâng cao.

Hãng TASS ngày 22.2 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành sắc lệnh công nhận 2 khu vực đòi ly khai ở miền đông Ukraine là cộng hòa độc lập. Quyết định được đưa ra sau nhiều tháng căng thẳng leo thang trong khu vực và khiến Ukraine cực lực chỉ trích, bác bỏ.

Ông Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập đối với 2 vùng phía đông Ukraine

AFP

Moscow điều quân “giữ gìn hòa bình”

Phát biểu trên truyền hình trước khi ký sắc lệnh, Tổng thống Putin cho rằng: “Lẽ ra phải quyết định từ lâu, đó là lập tức công nhận độc lập, chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk”. Ông lệnh cho Bộ Quốc phòng triển khai quân đội đến 2 khu vực trên để “giữ hòa bình”, nhưng chưa rõ quy mô và thời gian triển khai.

Tại cuộc họp Hội đồng An ninh Liên bang Nga ngày 21.2, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho hay chính phủ đã chuẩn bị suốt nhiều tháng để đối phó hậu quả của việc công nhận độc lập cho 2 vùng đòi ly khai ở miền đông Ukraine. “Chúng tôi đã chuẩn bị suốt nhiều tháng cho phản ứng có thể xảy ra đối với việc công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk, chẳng hạn trước hết là thay thế nguồn nhập khẩu và phân tích tất cả rủi ro chúng ta có thể đối diện trong trường hợp đưa ra quyết định như vậy”, theo TASS ngày 22.2 dẫn lời ông Mishustin. Thủ tướng Nga nhấn mạnh rằng tất cả rủi ro có thể xảy ra đã được xem xét một cách thẳng thắn. “Chúng tôi hiểu các vấn đề, đặc biệt là về nhập khẩu công nghệ cao và một số vấn đề khác”, theo ông Mishustin.

Phản ứng chính thức của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng ở Ukraine

Sau khi ban hành sắc lệnh, Tổng thống Putin đã tiếp lãnh đạo của 2 vùng Donetsk, Luhansk tại Điện Kremlin và ký các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ. Theo 2 hiệp ước có nội dung tương tự, Nga có quyền xây dựng căn cứ quân sự tại những nơi này và ngược lại, họ cũng có thể làm điều tương tự ở Nga. Hiệp ước đã được ông Putin trình lên để quốc hội phê chuẩn. Hai khu vực này cũng ký các thỏa thuận về hợp tác quân sự và công nhận biên giới của nhau với Nga. Bên cạnh đó, Nga và 2 khu vực này còn tuyên bố sẽ hợp tác kinh tế. Các hiệp ước có thời hạn 10 năm, tự động gia hạn thêm 5 năm trừ khi một trong các bên thông báo rút lại.

Vài giờ sau khi Nga ký các hiệp ước, Reuters dẫn lời một nhân chứng cho hay các phương tiện quân sự, có cả xe tăng, đã xuất hiện vào sáng sớm 22.2 ở ngoại ô thành phố Donetsk. Tại Moscow, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp để hỗ trợ ổn định tài chính, bao gồm việc sẽ cho phép các ngân hàng sử dụng giá trị thị trường của cổ phiếu, trái phiếu trong các báo cáo doanh thu cho đến tháng 10.

Xe tăng xuất hiện ở Donetsk sau khi ông Putin ký sắc lệnh

Reuters

Ukraine bác bỏ trong bế tắc?

Tại Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, trước khi triệu tập Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia để họp khẩn. Phát biểu sau đó, ông Zelensky lên án động thái của Nga vi phạm chủ quyền lãnh thổ Ukraine. “Chúng tôi cam kết về hòa bình và con đường ngoại giao, chúng tôi sẽ theo đó và chỉ điều đó. Nhưng chúng tôi đang ở trên đất của mình, chúng tôi không sợ bất cứ gì và bất cứ ai. Chúng tôi không nợ ai và sẽ không trao ai bất cứ thứ gì”, ông nhấn mạnh.

Ông Zelensky tuyên bố rằng 2 vùng ở miền đông vẫn là một phần của Ukraine bất kể tuyên bố của Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng quyết định mới nhất của Nga đồng nghĩa với việc Nga đã rút khỏi thỏa thuận Minsk về hòa bình tại miền đông Ukraine, phá hủy những nỗ lực ngoại giao và các hình thức đàm phán hiện tại.

Bản tin căng thẳng Nga-Ukraine: Tổng thống Putin công nhận độc lập 2 vùng miền đông Ukraine

Trong bài phát biểu, ông Zelensky cũng yêu cầu sự ủng hộ rõ ràng hơn từ phương Tây. “Chúng tôi mong đợi những bước đi rõ ràng và hiệu quả của việc ủng hộ từ các đối tác của chúng tôi. Điều rất quan trọng là nhận ra ai là bạn bè và đối tác thật sự, và ai sẽ tiếp tục dọa Liên bang Nga bằng lời lẽ”, ông Zelensky nói.

Ngay sau động thái của Nga, Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi họp thượng đỉnh khẩn cấp của nhóm Bộ tứ Normandy về xung đột Ukraine gồm Ukraine, Nga, Đức và Pháp. Sau cuộc điện đàm với quan chức phụ trách ngoại giao Liên minh Châu Âu (EU) Josep Borrel, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho hay hai bên có cùng nhận định về “quyết định phi pháp của Nga” và EU sẽ phản ứng “kiên quyết và thống nhất”.

HĐBA LHQ họp khẩn ngày 21.2 về vấn đề Ukraine

Reuters

Phương Tây lên kế hoạch trừng phạt Nga

AFP đưa tin sau bài phát biểu của ông Putin, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để tái khẳng định cam kết của Washington với Kiev.

Tổng thống Biden cũng điện đàm trong nửa giờ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ba nhà lãnh đạo mạnh mẽ lên án quyết định của ông Putin, gọi đây là động thái vi phạm thỏa thuận Minsk và tuyên bố sẽ có hành động đáp trả.

Theo Reuters, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki thông báo ông Biden sẽ sớm ban hành lệnh hành pháp cấm người Mỹ đầu tư, trao đổi thương mại và tài chính với hai khu vực ly khai ở Ukraine. Sau đó, một loạt quốc gia cũng tuyên bố sẽ phối hợp với các biện pháp trừng phạt của Mỹ hoặc kêu gọi cấm vận.

Văn phòng tổng thống Pháp cho biết ông Macron đã kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) thông qua các biện pháp trừng phạt cụ thể. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói hành động của Tổng thống Putin vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn của Ukraine. Ông Johnson cũng hứa sẽ có biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nếu Nga thực hiện hành động quân sự với Ukraine.

Trong cuộc họp báo ngày 22.2, Thủ tướng Úc Scott Morrison lên án quyết định của Nga và tuyên bố sẽ cùng với các đồng minh thực hiện lệnh trừng phạt. Đây cũng là quan điểm của Nhật và Canada. Hai nước này cho biết đang cùng các đối tác chuẩn bị các biện pháp trừng phạt Moscow.

Các nước vùng Baltic cũng lên án động thái của Nga. Reuters đưa tin Estonia, Latvia và Lithuania - đều là thành viên EU và NATO - đã kêu gọi châu Âu ngay lập tức trừng phạt Nga. Thông điệp này cũng được Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đưa ra trên tài khoản Twitter của mình.

Anh cấm vận Nga, Đức xét lại dự án Nord Stream 2

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel ngày 21.1 đã ra tuyên bố chung lên án quyết định của ông Putin và cảnh báo EU sẽ phản ứng bằng các lệnh trừng phạt. Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng việc Nga công nhận độc lập cho các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine vi phạm những thỏa thuận quốc tế mà Moscow đã ký kết. Ông Stoltenberg cũng cáo buộc Nga ngụy tạo cớ để có hành động quân sự với Ukraine.

HĐBA LHQ họp khẩn

AFP đưa tin sau động thái của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Mỹ và các đồng minh đã yêu cầu HĐBA họp khẩn. Yêu cầu được đưa ra dựa trên lá thư của Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cáo buộc Moscow đang tạo tiền đề để tiếp tục lấn tới tại Ukraine và gọi đây là sự vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Trưởng phái đoàn thường trực Anh tại LHQ Barbara Woodward nhấn mạnh nguy cơ nhân đạo của cuộc khủng hoảng Ukraine. Đại sứ Ireland tại LHQ Geraldine Nason cũng khẳng định sự ủng hộ đối với Kiev.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân kêu gọi các bên tránh bất kỳ hành động nào có thể gây căng thẳng. Đại diện Ấn Độ, UAE cũng kêu gọi các bên kiềm chế nhằm duy trì hòa bình, an ninh, tránh thương vong và nên quay lại thỏa thuận Minsk. Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho biết Moscow vẫn sẵn sàng đối thoại để tìm giải pháp ngoại giao và cảnh báo Ukraine không thực hiện các hành động gây hấn.

Như Trần

Về phía LHQ, Tổng thư ký Antonio Guterres nói quyết định của Nga đã vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, đồng thời không phù hợp với các nguyên tắc trong hiến chương của tổ chức này. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc điện đàm ngày 22.2 với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ sự quan ngại về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ông Vương cũng kêu gọi các bên kiềm chế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.