Bộ Quốc phòng Nga hôm qua xác nhận soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen đã bị chìm do biển động khi đang được kéo về Sevastopol để sửa chữa, theo Sputnik. Nga thông báo một vụ cháy xảy ra trên tàu vào hôm 13.4 gây nổ kho vũ khí khi chiến hạm đang ở cách cảng Odessa (Ukraine) khoảng 90 km. Toàn bộ khoảng 500 thủy thủ được sơ tán sang những tàu khác an toàn.
Soái hạm Moskva thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga |
Bộ Quốc phòng Nga |
Mất mát biểu tượng
Ukraine tuyên bố tàu tuần dương Moskva đã trúng 2 tên lửa chống hạm Neptune của các lực lượng vũ trang nước này nhưng Nga bác bỏ thông tin. Lầu Năm Góc không thể xác nhận tuyên bố của Ukraine nhưng cho rằng bất kể là bị cháy hay bị bắn, vụ việc cũng giáng đòn nặng nề đối với Nga vì tàu Moskva đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực chiếm ưu thế trên biển.
Mất kỳ hạm Moskva sẽ ảnh hưởng thế nào đến Hải quân Nga? |
Tàu Moskva được đóng từ thời Liên Xô vào năm 1979 tại cảng Mykolaiv, nay thuộc Ukraine. Đây là một trong 3 tàu chiến thuộc lớp Slava (Vinh quang) được hoàn thành. Tàu được biên chế vào năm 1983 và cho đến trước khi bị chìm, tàu chiến dài 186 m này là chiến hạm lớn thứ ba còn hoạt động của Nga, theo tờ The Moscow Times.
Tàu Moskva bị chìm để lại tác động lớn nhất đến tinh thần của Nga. Là soái hạm của Hạm đội Biển Đen, tàu Moskva đóng vai trò then chốt như tàu chỉ huy và là một điểm phòng không của lực lượng Nga, theo Bộ Quốc phòng Anh. Từ đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine đến nay, đây là tàu chiến quan trọng thứ hai của Nga bị thiệt hại sau tàu đổ bộ Saratov. Reuters dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết nếu quả thật tàu Moskva bị tên lửa Ukraine bắn trúng, đây sẽ là tàu chiến lớn nhất của Nga bị đối phương “tiêu diệt” từ khi chiến hạm Liên Xô Marat bị máy bay Đức đánh chìm vào năm 1941.
Trả lời CNN, cựu đại tá hải quân Mỹ Carl O.Schuster, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii (Mỹ) về quan hệ quốc tế, lịch sử, cho rằng việc tàu Moskva bị chìm giáng đòn nặng nề đối với hải quân Nga cũng như tự tôn dân tộc, có thể so sánh với việc Mỹ bị mất một tàu sân bay.
Quân nhân Ukraine tại Severodonetsk, tỉnh Luhansk |
Reuters |
Về mặt quân sự, việc mất tàu Moskva được cho là không ảnh hưởng lớn đến chiến dịch tại Ukraine. Tuy nhiên, nếu quả thật Moskva bị trúng tên lửa Ukraine, hải quân Nga sẽ phải cân nhắc lại các hoạt động và có thể đưa các tàu chiến ra xa lãnh thổ Ukraine hơn, điều chỉnh lại các hệ thống phòng không, theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, Mỹ) và Bộ Quốc phòng Anh.
Tờ The Washington Post hôm qua dẫn thông báo của Lầu Năm Góc cho biết 5 tàu chiến Nga tại phía bắc Biển Đen đã di chuyển xa khỏi bờ biển Ukraine về hướng nam. Nga chưa bình luận về thông tin này.
Xem nhanh: Chiến sự ngày thứ 51, soái hạm Nga chìm dưới biển Đen |
Kyiv bị đe dọa
Hôm qua, những tiếng nổ lớn lại vang lên tại Kyiv từ sau khi lực lượng Nga rút khỏi khu vực hồi cuối tháng 3 để tập trung cho mặt trận miền đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov thông báo quân đội đã phóng tên lửa hành trình phá hủy một nhà máy quân sự ở ngoại ô Kyiv trong đêm và cảnh báo sẽ gia tăng công kích mục tiêu tại Kyiv nhằm đáp trả các cuộc tấn công nhắm vào lãnh thổ Nga. Nga tố cáo Ukraine đã nã pháo, cho 2 trực thăng bay qua không phận Nga và tấn công tại tỉnh Bryansk trong ngày 14.4 làm nhiều người bị thương. Ukraine đã phủ nhận vụ việc.
Bộ Quốc phòng Nga còn tuyên bố bắn rơi một trực thăng Mi-8, chiến đấu cơ Su-27 của Ukraine và kiểm soát hoàn toàn nhà máy thép Ilyich ở Mariupol, trong khi Kyiv chưa bình luận. Theo cập nhật của ISW, lực lượng Nga tiếp tục hoạt động tại khu vực phía tây nam và đông Mariupol nhưng chưa rõ sẽ kiểm soát toàn thành phố sớm đến mức nào. Tại Donbass, Nga có thể sẽ tiếp tục chiến dịch và các lực lượng chi viện đã được cho tham chiến ngay khi có thể.
Nga đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân, bội siêu thanh nếu Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO |
Cảnh báo về vũ khí hạt nhân
Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns hôm qua cảnh báo không thể xem nhẹ khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc có sức công phá thấp tại Ukraine nếu tiếp tục gặp trở ngại quân sự. Ngay sau khi mở màn chiến dịch tại Ukraine, Nga đặt lực lượng hạt nhân trong tình trạng cảnh giác cao. Tuy nhiên, ông Burns nói rằng Washington chưa thấy bằng chứng về việc Moscow triển khai hoặc sẵn sàng sử dụng loại vũ khí đó.
Trước đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo sẽ tăng cường lực lượng lục quân, hải quân và không quân tại biển Baltic nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, điều đã được nhắc đến thời gian gần đây. Ông Medvedev còn đưa ra lời đe dọa rằng sẽ không còn việc đàm phán về tình trạng phi hạt nhân tại vùng Baltic nếu diễn biến trên xảy ra. Ông kêu gọi Thụy Điển và Phần Lan hành động khôn ngoan, nếu không, họ sẽ phải chịu cảnh sống bên cạnh vũ khí hạt nhân và vũ khí bội siêu thanh.
Bình luận (0)