Rào cản tuổi 35
Không khí cuộc phỏng vấn đột ngột thay đổi sau khi Annie Li - ứng viên tại một công ty game ở Trung Quốc - nói rằng cô 35 tuổi, đã kết hôn nhưng không có con.
Cô kể lại: "Trước khi tôi tiết lộ tuổi tác và tình trạng hôn nhân, mọi thứ diễn ra khá tốt. Nhưng sau đó, thái độ của họ thay đổi. Họ chốt lại rằng kinh nghiệm của tôi không phù hợp với những gì họ tìm kiếm rồi gửi lời xin lỗi".
Li biết rằng mình đã gặp phải "rào cản tuổi 35". Tại Trung Quốc, trong các ngành phát triển thần tốc, khả năng cạnh tranh của người lao động trên 35 tuổi bắt đầu giảm mạnh. Nhiều nhà tuyển dụng công khai điều kiện ứng tuyển là "dưới 35 tuổi" cho nhiều công việc, kể cả các việc trong nhà nước.
Phân biệt tuổi tác trong ngành công nghệ của Trung Quốc đặc biệt gay gắt. Nhân viên từ 35 tuổi trở lên mà không ở các vị trí quan trọng thường dễ bị đào thải.
"Gã khổng lồ" viễn thông Huawei từng vướng vào tranh cãi phân biệt tuổi tác vào năm 2020 khi sa thải khoảng 7.000 nhân viên, phần lớn ở độ tuổi 35. Mặc dù sau đó người sáng lập Huawei khẳng định công ty không đánh giá nhân viên dựa trên tuổi tác.
Báo cáo do trang web tuyển dụng Maimai công bố hồi tháng 3 cho thấy độ tuổi trung bình của nhân viên thuộc 19 công ty internet hàng đầu Trung Quốc là 29,6 tuổi. ByteDance - công ty mẹ của TikTok và công ty thương mại điện tử Pinduoduo có xu hướng thuê những tài năng trẻ, do đó độ tuổi trung bình của nhân viên là 27. Dịch vụ đặt xe Didi Chuxing thì đỡ hơn một chút, với nhân viên ở độ tuổi trung bình 33.
Trong bối cảnh nguồn cung tài năng trẻ hạn chế, độ tuổi trung bình của đất nước lại đang leo thang, nhiều người đặt câu hỏi bao giờ Big Tech Trung Quốc mới chịu phá vỡ rào cản tuổi tác.
Báo cáo của Maimai cho thấy độ tuổi trung bình của nhân viên Tencent là 29 nhưng tình hình năm ngoái có tín hiệu khả quan hơn. Công ty đã thuê 30.714 nhân viên trong độ tuổi 30 - 50, trong khi đó chỉ thuê 20.548 nhân viên dưới 30 tuổi. Tuy nhiên, công ty chỉ có 88 nhân viên từ 55 tuổi trở lên.
Tại sao điều này lại xảy ra trong một đất nước có nền văn hóa ca ngợi việc gìn giữ và tiếp thu các giá trị của thế hệ đi trước?
Brian Tang - người sáng lập Phòng thí nghiệm LITE tại Khoa luật Đại học Hồng Kông cho biết: "Rất nhiều lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc như mạng xã hội, game, thương mại điện tử và phát video trực tuyến nhắm tới nhóm người trẻ tuổi, do đó cần thuê nhiều nhân viên trong độ tuổi đó để có thể hiểu được tâm lý và hành vi khách hàng mục tiêu".
Mặt khác, ngành công nghệ đang phải đối mặt với nhiều quy định ở Trung Quốc nên cũng cần thuê những người quản lý lớn tuổi, có kinh nghiệm hơn.
Matt Lin - một lập trình viên 40 tuổi cho biết giá trị thị trường của các lập trình viên thường giảm dần theo tuổi tác, không giống những nghề như bác sĩ càng lớn tuổi càng được trọng vọng. Ông phải làm những công việc như quản lý con người, dẫn dắt nhóm, không còn nhận được những công việc tốt liên quan đến lập trình nữa.
Joseph Zhu - lập trình viên đang ở độ tuổi 30 bộc bạch: "Nếu muốn đổi việc khi đã có tuổi, bạn sẽ không thể đáp ứng các yêu cầu cơ bản vì công nghệ trong lĩnh vực internet phát triển rất nhanh".
Nông dân viết code
Lại có ý kiến cho rằng Big Tech thích tuyển dụng lao động trẻ vì không thể kỳ vọng một người trung niên có con gắn bó với "văn hóa 996", tức làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối suốt 6 ngày trong tuần.
Mike Dai - nhà thiết kế kiêm lập trình game kỳ cựu cho biết ngành công nghệ Trung Quốc là một ngành "sử dụng nhiều lao động với rất nhiều công việc nặng nhọc, được bọc dưới lớp vỏ tráng lệ". Đó là lý do tại sao nhiều lập trình viên Trung Quốc tự gọi mình là "nông dân viết code" để ám chỉ bản chất công việc nặng nhọc của họ.
Tuy nhiên, những người như Annie Li không thể chấp nhận trở thành nạn nhân của phân biệt tuổi tác. Cô có bằng thạc sĩ của một trường đại học hàng đầu Hồng Kông, có 10 năm kinh nghiệm trong ngành game. Li mất việc 2 tháng trước do công ty bất ngờ quyết định đóng cửa văn phòng ở Quảng Châu, khiến cô trở tay không kịp.
Sau khi rải 30 hồ sơ xin việc, Annie Li chỉ nhận được 5 lời mời phỏng vấn.
Li chia sẻ: "Sơ yếu lý lịch của tôi phù hợp 98% mô tả công việc nhưng họ chỉ muốn tuyển người dưới 35 tuổi". Cuối cùng Li có công việc mới là quản lý đầu tư tại một quỹ game ở Thâm Quyến nhờ một người bạn giới thiệu, thế nhưng cảm giác cay đắng từ những lần phỏng vấn xin việc vẫn còn đó.
Cô than thở: "Họ nói rằng bạn có 8 năm kinh nghiệm trong ngành nhưng chúng tôi chỉ cần người có 2 - 3 năm kinh nghiệm là đủ". Khi còn trẻ, Annie Li luôn tự tin về kinh nghiệm và trình độ của mình trong các cuộc phỏng vấn, còn bây giờ cô luôn ở thế phòng thủ.
Phân biệt tuổi tác không phải vấn đề chỉ có ở Trung Quốc. IBM từng bị kiện năm 2018 vì cáo buộc sa thải nhân viên lớn tuổi để tuyển nhân lực trẻ hơn.
Theo Jimmy Zhao - chuyên gia "săn đầu người" tại HRPartners, độ tuổi lý tưởng cho các nghề trong lĩnh vực internet là dưới 40. Người này đánh giá: "Thị trường nhân tài Trung Quốc ngày càng nhạy cảm hơn với tuổi tác. Tỷ lệ đào thải rất cao".
Kelly Sun - một chuyên gia tuyển dụng khác ở Thâm Quyến cho biết nhân viên công nghệ sắp bước sang tuổi 35 ngày càng lo lắng khi nhìn nhận lại mức độ hữu dụng và triển vọng thăng tiến của mình.
Cuộc "khủng hoảng tuổi trung niên" này cho thấy ngành công nghệ Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề, không có khả năng giúp những nhân viên trong ngành phát triển con đường sự nghiệp lâu dài.
Mike Dai hy vọng Trung Quốc hãy học tập Mỹ và Nhật Bản. Ví dụ, Nhật đang đối phó với tình trạng già hóa dân số, nhưng khi Dai đến thăm các công ty game Nhật Bản, có rất nhiều nhân viên lớn tuổi. Dai nêu ví dụ: "Tất cả những nhà sản xuất nổi tiếng như Hideo Kojima và Hidetaka Miyazaki đều đã ở độ tuổi 40 - 50 nhưng không hề chậm lại chút nào".
Người này tin rằng các công ty Trung Quốc cuối cùng sẽ phải dựa vào những lao động tuổi trung niên khi dân số già đi, nhưng trước tiên họ cần thay đổi thái độ.
Bình luận (0)