Nhóm ngành điện tử, công nghệ thông... tin hút nhân lực
Theo Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong quý I/2022, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực dịch vụ (chiếm 69%), khu vực công nghiệp (29%), khu vực nông nghiệp (chiếm 0,88%).
Trong đó, một số ngành, lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao, có thể kể đến như: công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 27% tổng nhu cầu nhân lực), gồm: điện tử - công nghệ thông tin; cơ khí; hóa chất - nhựa cao su; chế biến lương thực - thực phẩm.
Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 16,7% tổng nhu cầu nhân lực.
Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 16,7% tổng nhu cầu nhân lực |
THANH NIÊN |
Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (chiếm 10,6% tổng nhu cầu nhân lực), tập trung ở ngành cho thuê xe có động cơ; cung ứng lao động; hoạt động bảo vệ tư nhân...
Một số ngành khác có nhu cầu nhân lực chiếm từ 5 - 8% tổng nhu cầu có thể kể đến lần lượt như thông tin và truyền thông; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, một số ngành khác cũng có nhu cầu nhân lực lớn như xây dựng nhà để ở; giáo dục mẫu giáo; dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khoẻ tương tự...
Cần gần 11.000 chỗ làm việc nhóm kinh doanh thương mại
Nếu xét theo nhu cầu nhân lực theo nhóm nghề, theo Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, quý I/2022, địa phương cần hơn 10.800 chỗ làm việc ở nhóm kinh doanh thương mại (chiếm 26% tổng nhu cầu nhân lực), tập trung ở các vị trí: trường phòng kinh doanh; nhân viên kinh doanh; nhân viên bán hàng; nhân viên sales...
Vị trí thứ hai là nhóm dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ với nhu cầu hơn 4.200 chỗ làm việc, tập trung ở các vị trí như lao động phổ thông; nhân viên bảo vệ; nhân viên bán thời gian; phụ xe; giao hàng...
Vị trí thứ ba là nhóm dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển với hơn 3.200 chỗ làm việc tập trung ở các vị trí như nhân viên chăm sóc khách hàng; nhân viên tổng đài; chuyên viên tư vấn...
Các nhóm còn lại cần từ 1.000 - 3.000 chỗ làm, như marketing; hành chính - văn phòng; công nghệ - thông tin; dệt may - giày da; kinh doanh quản lý tài sản - bất động sản...
Cũng theo kết quả khảo sát của Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng ở lao động đã qua đào tạo chiếm 86% tổng nhu cầu.
Trong đó, nhu cầu nhân lực đối với trình độ đại học trở lên chiếm 20,7%, cao đẳng chiếm 19%, trung cấp chiếm 27,7%, sơ cấp chiếm 18%.
Nhóm lao động chưa qua đào tạo chiếm 14% tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề hóa chất - nhựa - cao su; dệt may - giày da; công nghệ lương thực - thực phẩm; kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; in ấn; kinh doanh quản lý tài sản - bất động sản; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống.
Bình luận (0)