'Ngáo' quyền lực mạng xã hội - Kỳ 2: Để tránh bị dẫn dắt

05/04/2022 08:00 GMT+7

Theo các chuyên gia, để tránh bị người khác cố tình lợi dụng livestream trên mạng xã hội để dẫn dắt theo mục đích xấu, người dùng cần phải định vị giá trị bản thân.

Nhiều cá nhân đã cố tình lợi dụng những livestream trên mạng xã hội để nhục mạ, vu khống, xúc phạm người khác. Đồng thời, dẫn dắt hàng ngàn người xem livestream với mục đích xấu.

Theo các chuyên gia, ảnh hưởng của mạng xã hội, các giá trị thật và giá trị được thừa nhận trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng đi đôi. Vì vậy, để tránh việc bị người khác cố tình lợi dụng, dẫn dắt theo mục đích xấu, người dùng cần phải định vị giá trị bản thân.

TS tâm lý Bùi Hồng Quân phân tích, thông tin trên mạng xã hội “thượng vàng hạ cám”. Nếu người dùng không có đủ nhận thức, chín chắn, bản lĩnh sẽ dễ tin và làm theo mạng xã hội, dẫn đến hệ lụy như: bị lừa gạt, tin vào những hướng dẫn phi khoa học. Thời gian tiếp cận mạng xã hội quá nhiều, còn có thể dẫn đến lệch lạc định hướng giá trị cá nhân. Đây là thực trạng đáng lo ngại của một bộ phận giới trẻ.

“Sự không đồng nhất giữa đời sống thực và trên mạng xã hội gây nên sự mất cân bằng về mặt tâm lý, làm cho người dùng mạng xã hội dễ bị ảnh hưởng. Thế giới "ảo", nhưng tác động rất thật, sâu”, TS Bùi Hồng Quân nói và phân tích ở góc độ tâm lý, có hai trạng thái.

Thứ nhất, nếu một bài viết hay nội dung đăng tải bị "ném đá", bị nhục mạ, tùy vào mức độ chịu ảnh hưởng, bản lĩnh của cá nhân, sẽ có cách tiếp nhận thông tin khác nhau. Tuy nhiên, một số trường hợp người dùng có thể rơi vào trạng thái túng quẫn, thậm chí chọn cách kết liễu cuộc sống, thoát khỏi những áp lực từ thế giới "ảo", khỏi những lượt share (chia sẻ), like (thích) - vốn dĩ rất vô tình trên mạng xã hội.

Đối lập trạng thái này là việc nội dung đăng tải và người dùng nhận được sự tung hô. Trong tâm lý con người, đời thực hay trên mạng xã hội, ai cũng có mong muốn mình được thừa nhận, ghi nhận. Khi có sự thừa nhận, tung hô, dễ làm cho chúng ta có suy nghĩ rằng, mình có vai trò, ảnh hưởng đối với người khác và cộng đồng. Tuy nhiên, nếu nhận thức chưa thực sự chín chắn, người dùng dễ rơi vào việc không định vị đúng vai trò, vị trí, giá trị bản thân.

Cũng giống như trạng thái bên chiến thắng hoặc của việc ảnh hưởng, nếu không đủ bình tĩnh, nhìn nhận tác động của nó, con người dễ bị đẩy đi xa. “Đam mê, thỏa mãn, nhu cầu được thừa nhận vẫn luôn là sức hút rất lớn với con người. Nếu không đủ bản lĩnh, chúng ta rất dễ bị cuốn theo bởi giá trị không rõ ràng mà dựa vào sự tôn vinh, tương tác lượt xem của cộng đồng. Giá trị thật và giá trị được thừa nhận trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Chưa kể một vài trường hợp có những hành động hoàn toàn ngược lại với quy chuẩn nhưng lại được tán thưởng, tung hô”, TS Quân phân tích.

Theo TS Bùi Hồng Quân, điều quan trọng và cốt lõi nhất là mỗi người phải tự đánh giá bản thân, hay nói cách khác, phải định vị được bản thân trong mối quan hệ, vai trò khác nhau của xã hội.

Đám đông đang livestream trên mạng xã hội

T.N

TS Quân chia sẻ: “Ai cũng sẽ có vai trò, vị trí riêng, gắn với từng hoàn cảnh, nơi công tác... Giá trị thực chất của chúng ta phải là giá trị mà bản thân mình nhìn nhận, cũng như sự thừa nhận, công nhận khách quan, trung thực bởi xã hội, cộng đồng...

Khẳng định sự tự đánh giá, khiêm nhường, lòng tự trọng, tự tin đúng mực vào bản thân... là những giải pháp cốt lõi mà theo TS Quân, khi bị ném đá hay tung hô một cách cuồng nhiệt, vẫn biết mình là ai, mình đang ở đâu. “Khi định vị được bản thân rồi, lúc đó chúng ta cũng sẽ có những lời nói, hành vi, ứng xử phù hợp với vai trò, vị trí của mỗi người trong xã hội”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.