'Ngày đẫm máu nhất' trong biểu tình Myanmar: 38 người thiệt mạng

04/03/2021 13:50 GMT+7

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener nói ngày 3.3 là ngày “đẫm máu nhất” kể từ khi xảy ra cuộc chính biến tại Myanmar, vì có tới 38 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chế độ quân sự ở Myanmar.

Bà Burgener nói tính đến ngày 3.3 đã có hơn 50 người thiệt mạng và nhiều người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát ở Myanmar.
Đặc phái viên LHQ cũng cho hay trong cuộc liên lạc mới đây với Phó tổng tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win, bà đã cảnh báo với ông này rằng quân đội Myanmar có thể đối mặt các biện pháp mạnh từ một số nước và tình trạng bị cô lập vì cuộc chính biến.

Hiện trường sau khi người biểu tình Myanmar bị bắn hôm 3.3.

Reuters

“Câu đáp lại là “Chúng tôi quen với các lệnh cấm vận và chúng tôi vẫn sống sót”. Khi tôi cảnh báo thêm rằng họ sẽ bị cô lập, câu đáp lại là: 'Chúng tôi phải học cách đồng hành với chỉ vài người bạn'”, bà Schraner Burgener nói với báo giới ở thành phố New York (Mỹ).
Quân đội Myanmar khẳng định lật đổ chính quyền đương nhiệm vì cho rằng cáo buộc gian lận trong kỳ bầu cử ngày 8.11 đã bị làm ngơ. Hiện có khoảng 1.300 người đã bị bắt giữ khắp Myanmar, trong đó có 6 phóng viên ở Yangon.

Người biểu tình Myanmar dựng hàng rào tự chế bằng bánh xe và đá để ngăn chặn cảnh sát.

Reuters

Mỹ đã áp lệnh cấm vận một số thành viên cấp cao của quân đội Myanmar. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 3.3. tuyên bố rằng Washington sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp có mục tiêu chống lại chính quyền quân sự ở Myanmar.
Nhiều nước phương Tây khác như Anh, Canada và Liên minh châu Âu, đã thực hiện hoặc đang xem xét các lệnh cấm vận nhắm vào quân đội Myanmar và các đồng minh kinh doanh của lực lượng này.
Hồi tháng 2, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar, nhưng không lên án cuộc chính biến vì sự phản đối của Nga và Trung Quốc, theo Reuters. Hai nước này xem cuộc chính biến là chuyện nội bộ của Myanmar.
Ngày 2.3, các quốc gia Đông Nam Á đã thúc giục quân đội Myanmar kiềm chế, tuy vậy, họ chưa thể đạt đồng thuận về việc kêu gọi trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.