Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các thông tin: Sau khi trẻ tiêm vắc xin Covid-19, phụ huynh cần chú ý điều gì?; Vì sao có người tập gym lâu mà cơ bụng không 6 múi?; Bí quyết này giúp người phụ nữ bị viêm khớp giảm được 39 kg...
Đã có bằng chứng tập 5 giờ thể dục mỗi tuần giúp giảm 7 loại ung thư
Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng hoạt động thể chất ở cường độ trung bình 5 giờ mỗi tuần, có thể ngăn ngừa được hơn 46.000 trường hợp ung thư hằng năm ở Mỹ.
Nghiên cứu do tiến sĩ Adair Minihan, từ Hiệp hội Ung thư Mỹ, dẫn đầu, đã được công bố trên tạp chí y học khoa học Medicine and Science in Sports and Exercise.
Dữ liệu đã chỉ ra rằng 3% tổng số ca ung thư ở người từ 30 tuổi trở lên ở Mỹ trong thời gian từ 2013 đến 2016 là do lười vận động và tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ. Trung bình mỗi năm có đến 32.089 ca ung thư ở phụ nữ Mỹ do ít vận động, so với 14.277 ca ở nam giới.
Đã có bằng chứng tập 5 giờ thể dục mỗi tuần giúp giảm 7 loại ung thư |
SHUTTERSTOCK |
Đây là nghiên cứu đầu tiên ước tính số ca ung thư do lười vận động cụ thể đến từng loại ung thư, gồm ung thư vú, nội mạc tử cung, đại tràng, dạ dày, thận, ung thư thực quản và ung thư bàng quang. Nội dung tiếp theo của nghiên cứu này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 25.10.
Sau khi trẻ tiêm vắc xin Covid-19, phụ huynh cần chú ý điều gì?
Trong chuyên mục Hỏi nhanh về Covid-19 kỳ này, bác sĩ sẽ giải đáp câu hỏi của bạn đọc liên quan đến việc tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ. Cụ thể: Xin bác sĩ cho tôi biết, sau khi cho trẻ tiêm vắc xin, phụ huynh cần chăm sóc, theo dõi trẻ như thế nào ạ? Cảm ơn bác sĩ!
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời: Sau khi trẻ tiêm vắc xin Covid-19, phụ huynh hay người trong gia đình nên bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng để có thể kịp thời phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm sau tiêm nếu có.
Tùy từng trẻ có thể có những triệu chứng sau tiêm khác nhau, kéo dài 2-3 ngày. Có những trường hợp triệu chứng có thể xuất hiện muộn hơn 7-14 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19.
Sau khi trẻ tiêm vắc xin Covid-19, phụ huynh hay người trong gia đình nên bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng |
ĐÌNH TUYỂN |
Tại chỗ tiêm: Sưng, đỏ, đau nhức, có thể nổi cục nhỏ, ngứa hoặc nhức mỏi cánh tay. Không nên bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì (lá cây, dầu gió, trứng gà…) vào chỗ sưng đau. Có thể mát xa nhẹ nhàng cánh tay cho trẻ. Những thuốc kháng dị ứng nên được dùng với sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Toàn thân: Trẻ có thể sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nhức mỏi toàn thân, buồn nôn. Một số trẻ có thể dễ buồn ngủ hoặc đói bụng nhiều hơn bình thường. Thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ:
- Nếu sốt dưới 38,5 độ C: Mặc quần áo mỏng, thoáng mát nhưng lưu ý không để nhiễm lạnh. Nhắc trẻ uống nhiều nước.
- Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên hoặc sưng đau nhiều tại chỗ tiêm: Sử dụng thuốc cho trẻ 12-17 tuổi uống 3-4 lần/ngày Paracetamol 500mg (tên gọi trên thị trường Panadol, Hapacol, Tylenol, Efferalgan…).
Biến chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim sau khi tiêm sẽ là phần giải đáp tiếp theo của bác sĩ Minh sẽ có trên trang sức khỏe ngày 25.10.
Vì sao có người tập gym lâu mà cơ bụng không 6 múi?
Có cơ bụng 6 múi là mơ ước của nhiều người. Thế nhưng, có những người dù ăn uống lành mạnh và tập luyện nỗ lực vẫn không có được 6 múi. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện một phần nguyên nhân của điều này.
Nghiên cứu cho rằng yếu tố gien có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả tập luyện. Những người sở hữu một số gien nhất định sẽ giúp cơ thể họ phản ứng tốt với việc tập luyện, giúp cơ bắp phát triển nhanh hơn.
Nghiên cứu mới cho rằng yếu tố gien có thể giúp giải thích vì sao một người dù tập luyện nhiều nhưng khó có cơ bụng 6 múi |
SHUTTESRTOCK |
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Anglia Ruskin (Anh) đã phân tích 24 nghiên cứu khác nhau để tìm hiểu liệu yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến kết quả tập luyện hay không. Họ phát hiện dù cùng thực hiện một nhóm bài tập nhưng hiệu quả tập luyện có thể rất khác nhau.
Nhóm nghiên cứu đã xác định 13 gien chịu trách nhiệm cho cách cơ thể phản ứng với các bài tập cardio, bài tập sức mạnh và bài tập kỵ khí. Bài tập kỵ khí là những bài đòi hỏi vận động thể chất một cách mạnh mẽ nhưng trong thời gian ngắn, chẳng hạn như chạy nước rút hay tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT). Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm kết quả nghiên cứu này!
Bình luận (0)