Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Bác sĩ chỉ ra cách uống cà phê an toàn cho người bệnh tim, tiểu đường; Muốn phổi khỏe, ngăn ung thư thì cần nạp chất chống ô xy hóa nào?; Nghiên cứu từ Harvard phát hiện 'loại kẹo' giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường...
Tác dụng hạ huyết áp, ngăn ung thư cùng lúc của cải thìa
Cải thìa là loại rau quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết lợi ích dinh dưỡng nổi bật của nó. Cải thìa chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất chống ô xy hóa có tác dụng kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ ung thư.
Cải thìa chứa hàm lượng nước cao, ít calo, rất phù hợp với chế độ ăn uống lành mạnh. Trong 100 gram cải thìa có đến hơn 95 gram nước, 1,5 gram protein, 1 gram chất xơ, 1,2 gram đường cùng vitamin A, C, K, B6 và các khoáng chất như canxi, kali, phốt pho, sắt, magiê.
Trong cải thìa có chứa glucosinolate, một hợp chất có tác dụng giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Hàm lượng selen trong cải thìa cũng có tác dụng chống ung thư.
Một lợi ích sức khỏe quan trọng khác khi ăn cải thìa là kiểm soát huyết áp. Lợi ích này có được là nhờ hàm lượng chất xơ và vitamin K trong cải thìa. Huyết áp được kiểm soát tốt hơn thì cũng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nghiên cứu công bố trên chuyên san JRSM Cardiovascular Disease phát hiện ăn các loại rau lá xanh thường xuyên, trong đó có cải thìa, sẽ giảm khoảng 16% nguy cơ mắc bệnh tim.
Không những vậy, hợp chất glucosinolate trong cải thìa ngoài chống ung thư còn có tác dụng kiểm soát huyết áp. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 13.12.
Muốn phổi khỏe, ngăn ung thư thì cần nạp chất chống ô xy hóa nào?
Phổi có thể bị tổn thương do nhiều yếu tố, từ ô nhiễm không khí, thay đổi thời tiết đến tiếp xúc với chất gây dị ứng. Một số chất chống ô xy hóa không chỉ cải thiện chức năng phổi mà còn ngăn ngừa ung thư.
Phổi có chức năng hấp thụ ô xy từ không khí vào máu. Vì luôn tiếp xúc với không khí nên phổi cũng dễ chịu tác động từ ô nhiễm, thay đổi thời tiết, phấn hoa, bụi, hóa chất hay nấm mốc. Những tác nhân này khiến phổi dễ bị viêm nhiễm.
Trong khi đó, các chất chống ô xy hóa có tác dụng giảm viêm nhiễm. Điều này là do các chất chống ô xy hóa giúp trung hòa các gốc tự do và giảm căng thẳng ô xy hóa. Để cải thiện chức năng phổi và ngăn ngừa ung thư, mọi người cần ưu tiên nạp các chất chống ô xy hóa sau:
Vitamin C. Vitamin C còn được gọi là a xít ascorbic, một trong những chất chống ô xy hóa quan trọng nhất với cơ thể. Vitamin C có nhiều trong ổi, cam, quýt, chanh, bưởi.
Các nghiên cứu cho thấy vitamin C góp phần quan trọng giúp loại bỏ các loại oxy phản ứng (ROS), phụ phẩm tạo ra sau quá trình chuyển hóa tế bào. ROS có thể gây tổn thương các tế bào lót trong đường hô hấp. Do đó, những người có đường hô hấp yếu nên áp dụng chế độ ăn giàu vitamin C để cải thiện chức năng phổi.
Vitamin E. Vitamin E còn có tên gọi khác là alpha-tocopherol, hoạt động như một chất chống ô xy hóa. Loại vitamin này có tác dụng ức chế quá trình peroxy hóa lipid, nhờ đó bảo vệ màn tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do.
Nhờ khả năng ngăn ngừa viêm nhiễm ở cấp độ tế bào mà vitamin E rất cần thiết cho sức khỏe hô hấp và ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp. Các loại thực phẩm phổ biến giàu vitamin E là các loại hạt, hạt giống, quả bơ và rau bina. Nội dung tiếp theo bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 13.12.
Nghiên cứu từ Harvard phát hiện 'loại kẹo' giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y khoa BMJ, các nhà khoa học Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ), đã phát hiện một 'loại kẹo' được yêu thích có khả năng giảm đến 21% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Trong nghiên cứu được Viện Y tế Quốc gia Mỹ tài trợ, các nhà khoa học Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ) đã sử dụng dữ liệu của 3 nghiên cứu lớn, bao gồm 192.028 người tham gia không mắc bệnh tiểu đường khi bắt đầu nghiên cứu, được theo dõi trong 25 năm, nhằm kiểm tra mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường loại 2 và tổng lượng sô cô la tiêu thụ.
Những người tham gia đã báo cáo về thói quen ăn uống của họ, bao gồm cả việc tiêu thụ sô cô la, cũng như tình trạng tiểu đường và cân nặng.
Đến cuối thời gian nghiên cứu, có 18.862 người mắc bệnh tiểu đường. Trong số 111.654 người tham gia được đưa vào phân tích về nguy cơ mắc tiểu đường theo lượng tiêu thụ các loại sô cô la, có 4.771 người mắc bệnh tiểu đường.
Kết quả đã phát hiện tiêu thụ 2 miếng sô cô la (tương đương 23,8 g) mỗi ngày trong ít nhất 5 ngày/tuần, giúp giảm 10% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đặc biệt, sô cô la đen cho tác dụng lớn nhất, với mức giảm lên đến 21%.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy ngay cả chỉ ăn sô cô la đen 1 lần mỗi tuần cũng giảm 3% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!
Bình luận (0)