Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Vì sao ăn kiêng, tập thể dục nhưng vẫn bị tăng cân; Ngồi nhiều không tốt, vậy đứng nhiều liệu có ổn?...
3 thay đổi ở tai báo hiệu triệu chứng của tiểu đường loại 2
Bệnh tiểu đường loại 2 khiến lượng đường trong máu của người mắc tăng cao. Dấu hiệu của tình trạng này là thường hay khát nước, đi tiểu thường xuyên và mệt mỏi. Không những vậy, bệnh còn xuất hiện một số bất thường ở tai.
Tiểu đường loại 2 chủ yếu xuất hiện ở người trên 40 tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người ở độ tuổi trẻ hơn vẫn được chẩn đoán mắc tiểu đường. Việc phát hiện và kiểm soát bệnh là vô cùng quan trọng, giúp ngăn ngừa tổn thương mạch máu, dây thần kinh và các cơ quan quan trọng khác.
Những thay đổi ở tai có thể là dấu hiệu cảnh báo tiểu đường gồm:
Viêm tai tái phát. Có nhiều nguyên nhân gây viêm tai và một trong số đó là do tiểu đường loại 2. Đường huyết tăng cao trong thời gian dài sẽ làm tổn thương các mạch máu ở tai trong, ảnh hưởng đến lưu thông máu và tín hiệu thần kinh đến tai.
Hệ quả của tình trạng này là làm giảm khả năng miễn dịch của tai, khiến tai dễ bị viêm nhiễm và tái đi tái lại. Viêm tai kéo dài và chậm điều trị có thể cần can thiệp bằng phẫu thuật.
Ù tai. Ù tai không phải là triệu chứng thường gặp của tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, lượng đường trong máu cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này. Nguyên nhân là do đường huyết cao đã tác động xấu đến ốc tai, dẫn đến tai bị ù. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 20.10.
Vì sao ăn kiêng, tập thể dục nhưng vẫn bị tăng cân?
Để giảm cân, mọi người thường sẽ bắt đầu bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục. Các bữa ăn ưu tiên món lành mạnh, ít calo. Tuy nhiên, một hiện tượng không phải hiếm gặp là trước khi thực sự giảm cân, cơ thể sẽ tăng cân nhẹ.
Trên thực tế, khi bắt đầu ăn uống lành mạnh và tập thể dục, trọng lượng cơ thể sẽ tăng nhẹ. Đây là điều hết sức bình thường do cơ thể đang diễn ra những phản ứng để thích nghi. Mọi người không nên nản chí vì sau giai đoạn này, trọng lượng cơ thể sẽ bắt đầu giảm.
Những nguyên nhân khiến cơ thể tăng cân, sau đó mới giảm cân được gồm:
Phản ứng giữ nước. Khi mới bắt đầu tập luyện thường xuyên, cơ thể sẽ tự động dự trữ nhiều glycogen hơn. Đây là phản ứng sinh học để cung cấp hiệu quả hơn nguồn năng lượng cần thiết cơ bắp hoạt động.
Tuy nhiên, vì glycogen liên kết với nước nên dự trữ nhiều glycogen hơn cũng đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ trữ nước nhiều hơn. Glycogen liên kết với nước theo tỷ lệ 1:3, nghĩa là với mỗi gram glycogen cơ thể dự trữ sẽ tích thêm 3 gram nước. Hệ quả là gây tăng cân nhẹ.
Viêm gây tích nước. Với những người mới bắt đầu tập luyện, các sợi cơ sẽ bị tổn thương do tăng cường độ vận động. Những vết rách siêu nhỏ trong cơ sẽ gây viêm và đau. Để lành các vết rách, cơ thể sẽ giữ lại nước. Hệ quả là gây tăng cân tạm thời. Nội dung tiếp theo bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 20.10.
Ngồi nhiều không tốt, vậy đứng nhiều liệu có ổn?
Nhiều người cho rằng đứng nhiều sẽ hạn chế được những tác hại của lối sống ít vận động do ngồi nhiều khi làm việc, học tập... Tuy nhiên, những nỗ lực của họ có thể không mang lại kết quả như mong đợi.
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí y khoa International Journal of Epidemiology, đã phát hiện về lâu dài, đứng nhiều hơn so với ngồi không cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về lưu thông máu.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Sydney (Úc) thực hiện bao gồm 83.013 người tham gia không mắc bệnh tim khi bắt đầu nghiên cứu.
Các tác giả đã sử dụng dữ liệu về bệnh tim và bệnh về lưu thông máu mới khởi phát được thu thập trong khoảng thời gian từ 7 - 8 năm của những người tham gia, để điều tra tác động của ngồi nhiều và đứng nhiều đối với bệnh tim mạch. Những dữ liệu này được đo bằng thiết bị đeo tay tương tự như đồng hồ thông minh.
Kết quả đã phát hiện về lâu dài, đứng nhiều không cải thiện sức khỏe tim mạch - gồm bệnh tim mạch vành, đột quỵ và suy tim, mà có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về lưu thông máu do đứng lâu, như giãn tĩnh mạch và huyết khối tĩnh mạch sâu.
Tuy nhiên, kết quả cho thấy đứng nhiều không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!
Bình luận (0)