Thương Tín sinh năm 1956, là diễn viên nổi tiếng của Việt Nam từ sau năm 1975 với hàng trăm vai chính trong các bộ phim nhựa và trên sân khấu kịch. Nghệ thuật đã đem tới cho nam diễn viên danh vọng, tiền bạc nhưng thời vàng son thích rong chơi và hưởng thụ cũng khiến Thương Tín trả giá đắt vì những đam mê của mình.
Từ năm 13 tuổi, Thương Tín đã bỏ nhà đi theo đoàn cải lương chỉ vì muốn trải nghiệm cuộc sống nay đây mai đó. Được hơn 2 năm thì cha ông tìm bắt về và cho đi học tại trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ Sài Gòn. Vừa ra trường, Thương Tín tham gia vào đoàn kịch nói Cửu Long Giang và bắt đầu sự nghiệp diễn kịch.
|
Thương Tín bày tỏ trong hoạt động nghệ thuật ông được ưu đãi nhiều. Vốn là người có ngoại hình cao ráo, lãng tử, Thương Tín được ưu ái khi phân vai. Vai chính đầu tiên của nam nghệ sĩ là bộ phim Nắng đỏ của đạo diễn Lâm Tới. Từ bộ phim này, hàng loạt đạo diễn khác mời ông vào vai chính như Bài ca không quên, Vụ án viên đạn lạc, Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn… "Mình đóng vai chính rồi nên người ta đâu dám mời diễn vai phụ. Người ta phải đóng vai nhỏ, từ từ lên vai chính, còn tôi nhảy vô là được đóng vai chính luôn, lỡ leo lên thang cao rồi đâu dám leo xuống”, ông nói.
Theo lời Thương Tín, thời của ông chỉ có hãng phim nhà nước chứ không có hãng phim tư nhân. Do đó, cát-sê cũng cũng theo quy định, mỗi vai chính trong phim nào cũng đều nhận được 1 chỉ vàng. Ông kể năm 27 tuổi mình đã được ghi nhận là diễn viên đóng nhiều phim nhất trong năm với 12 bộ phim nhựa. Có những lúc đã kín lịch, đạo diễn sẵn sàng dời lịch bấm máy để đợi bằng được ông vào vai chính. Thương Tín kể cát-sê mỗi phim chỉ được 1 chỉ vàng nhưng ông xài một đêm có khi hết vài ba cây vàng là bình thường. Sau mỗi ngày quay phim và diễn ở sân khấu, ông thường tụ tập bạn bè đi ăn uống hoặc đến phòng trà nhảy đầm.
|
“Tôi nhảy đầm trên nền nhạc nhẹ chứ không phải như vũ trường bây giờ. Mỗi lần đến nhảy mà không có mấy cô bồ đi cùng thì phải nhảy cùng mấy cô đào ở đó, thích thì có thể rủ đi chơi riêng ở ngoài sau khi nhảy. Thời tôi chỉ có giới thượng lưu ở Sài Gòn mới chơi nhảy đầm vì tốn tiền lắm. Tiền đào, tiền phí, tiền rượu rồi ăn uống trong đó, tính ra cũng cỡ vài ba cây vàng. Tôi còn có tính hiếu thắng, thấy một cô gái đẹp thì tôi muốn cô ấy phải là của mình. Dù không yêu nhưng giá nào tôi cũng phải chinh phục bằng được, kể cả hoa hậu hay người mẫu”, ông nhớ lại.
Thương Tín cho hay tất cả những thú vui của tầng lớp thượng lưu ở Sài Gòn ngày ấy ông đều đã trải nghiệm, không phải vì ghiền, vì nghiện mà vì sẵn tiền trong tay. Ông muốn cái gì mình cũng phải biết để xem như đó là hương vị của cuộc đời. Ông từng bộc bạch thời hoàng kim có được "nữ đại gia" cung phụng: “Đang ngồi bên cửa sổ nhìn theo một chiếc xe hơi chạy ngoài đường là hôm sau xe đó có trong sân. Quần áo tôi mặc, giày dép tôi mang nhiều vô kể, xe thì 4 cái xe máy, 2 cái xe hơi, sáng mặc đồ nào phải suy nghĩ thêm đi với xe nào cho hợp nữa. Ra ngoài tôi không bao giờ bận tâm mình mang bao nhiêu tiền bởi ví tôi luôn dày cộm...”.
|
Sau những sóng gió cuộc đời, cuộc sống của Thương Tín ở tuổi xế chiều khá khó khăn. Đến với người vợ trẻ quê Phan Rang kém 32 tuổi, Thương Tín không ngờ rằng ở độ tuổi lục tuần phải chấp nhận đóng nhiều vai, kể cả những vai nhỏ, ít phân đoạn để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, lo bữa cơm hằng ngày và trang trải sinh hoạt, học hành cho con gái. Mới đây, thông tin diễn viên Thương Tín bị đột quỵ, được cấp cứu trong bệnh viện khiến khán giả quan tâm. Với hình ảnh tiều tụy, hốc hác, nhiều người thương nhớ một Thương Tín hào hoa, phong nhã thuở hoàng kim.
Bình luận (0)