Muốn xỉu khi con nguy kịch
Kể với Thanh Niên hôm 18.9 khi mẹ con chị vẫn đang ở Đài Loan chờ chuyến bay để về Việt Nam do dịch Covid-19, biên tập viên Đài Trang hồi tưởng lại 2 tháng chông gai cứu con. Theo lời kể, chị kết hôn năm 2015 và sinh con trai đầu lòng 2 năm sau đó. Tháng 10.2019, chị tiếp tục sinh bé gái và đặt tên là Đặng Lam Diệp, tên ở nhà là Tròn. Bác sĩ thông báo kết quả sàng lọc qua lấy máu gót chân sau sinh của bé Tròn có dấu hiệu rối loạn chuyển hóa các a xít amin, men gan tăng.
Sau nhiều lần thăm khám chuyên khoa, chị Trang được biết con mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh. Ban đầu, chị chỉ nghĩ đây đơn giản là một căn bệnh khó và có thể chữa khỏi với một cuộc phẫu thuật đơn giản.
|
Chị chia sẻ: “Làm mẹ, khi con bị bệnh thì tôi trách bản thân mình đầu tiên và dằn vặt nhiều lắm. Tôi nghĩ lại những ngày trải qua thai kỳ và tự hỏi vì sao, nguyên nhân gì để bé mắc bệnh như vậy. Tuy nhiên căn bệnh này của bé hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân”. Được ông bà hỗ trợ, cơ quan tạo điều kiện, chị Trang sắp xếp thời gian và công việc để chăm con nhưng khi bé Tròn được 9 tháng tuổi thì tình trạng bệnh diễn biến xấu đi rất nhanh.
Chị Trang kể: “Tôi choáng váng, muốn ngất xỉu khi bác sĩ nói không chắc chắn con có thể sống được 3 tháng. Tôi mất ăn mất ngủ nhiều ngày để tìm các bác sĩ hàng đầu về gan ở Việt Nam cũng như vấn đề ghép gan. Sau nhiều lần hỏi thăm các bệnh viện trong nước tôi được trả lời chỉ ghép gan cho bé từ 10 tuổi trở lên nên quyết định đưa bé sang Đài Loan để thực hiện phẫu thuật. Trước ngày lên đường, bé phải nằm viện liên tục 2 tuần để đủ sức khỏe”.
|
Cứu con khi còn đang cách ly
Để có thời gian chăm lo cho bé Tròn, vợ chồng chị Trang phải gửi bé lớn nhờ ông bà chăm sóc. Ngày vừa đến Đài Loan, chị nhớ con nhưng chẳng dám gọi điện thoại vì sợ hai mẹ con lại cùng khóc.
Chị Trang nói mình may mắn vì được bố mẹ đẻ ủng hộ việc hiến gan cho con gái. Chị tâm sự: “Việc hiến gan không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của tôi vì sau 3 tháng tôi có thể đi làm lại và gan có thể mọc lại, đạt kích thước như cũ. Đối với việc mình có thể cứu con thì hy sinh chút xíu đó không là gì với tôi cả. Chồng tôi rất áy náy vì không thể cáng đáng việc cho gan nên lo cho tôi rất nhiều. Lúc nào cũng liên hệ với các bác sĩ và dặn dò phải ưu tiên sức khỏe của tôi đầu tiên, nếu có bất kỳ nguy hiểm nào thì sẽ dừng lại”.
Ngày 26.7, ca phẫu thuật được thực hiện, tức chỉ 6 ngày sau khi chị Trang đến Đài Loan và chưa hết thời gian cách ly. Các bác sĩ mất khoảng 5 tiếng tách gan của chị và 8 tiếng ghép gan vào bé Tròn. Hết thuốc mê, chị Trang tỉnh dậy khi ca ghép gan của con vẫn chưa xong. Lo lắng, hồi hộp, tất cả cảm xúc như át đi hết sự đau đớn dù chị vừa cắt đi một phần gan của mình. Sau đó, chị được đưa về phòng áp lực âm để tiếp tục cách ly.
Chị xuất viện sau 14 ngày và bé Tròn thì sau 5 tuần của cuộc phẫu thuật (ngày 4.9.2020) trong tình trạng sức khỏe hai mẹ con ổn định. Sau ca phẫu thuật, chị Trang gầy hơn một chút, còn bé Tròn được tái khám mỗi tuần để bác sĩ kiểm tra máu, uống thuốc mỗi ngày và tạm tránh nơi đông người. Hiện cả gia đình đang đợi chuyến bay từ Đài Loan để trở về nước.
“Con hiện ăn uống rất tốt, vui vẻ và tăng cân tốt như một con người hoàn toàn khác. Điều hạnh phúc nhất lúc này của tôi là cứu được bé Tròn. Cả quá trình chữa bệnh bé Tròn như có quý nhân phù trợ vậy, đi đến đâu gia đình tôi cũng nhận được giúp đỡ. Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải sống tốt hơn và dạy con trân trọng cuộc sống mà mọi người đã hết sức vất vả để giành lấy cho con”, chị Trang hạnh phúc tâm sự.
Cư dân mạng cũng cầu chúc cho sức khỏe hai mẹ con sớm bình phục hoàn toàn và trở về Việt Nam khi có chuyến bay để viết tiếp câu chuyện mẫu tử thiêng liêng này.
Bình luận (0)