Nghỉ học vì Covid-19: Đảm bảo thí sinh có thời gian cho thi THPT quốc gia

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
04/03/2020 07:32 GMT+7

Đợt nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19 khiến học sinh lớp 12 năm nay băn khoăn về việc học tập, ôn thi và đăng ký dự thi THPT quốc gia ...

Xung quanh vấn đề này, PGS Mai Văn Trinh (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), đã trao đổi với báo chí về những giải pháp “ứng phó” nhằm đảm bảo công bằng cho học sinh (HS).
       Ảnh: Tuyết Mai
 

Thí sinh vẫn có 20 ngày đăng ký dự thi

Ông Mai Văn Trinh cho biết: Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh thời gian năm học 2019 - 2020 để kết thúc vào ngày 30.6; kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức vào các ngày 23, 24, 25, 26.7.
Đây là thời gian đủ để hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định và đủ cho HS cuối cấp ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi vẫn được Bộ GD-ĐT chủ động cùng các địa phương, các cơ sở GD-ĐT tiến hành. Các địa phương, nhà trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học để vừa hoàn thành đúng kế hoạch năm học, vừa có đủ thời gian, nguồn lực để tổ chức tốt kỳ thi năm 2020.
Vậy thời gian đăng ký dự thi và ôn tập của HS có bị gấp so với các năm trước không, thưa ông?
Với lịch trình điều chỉnh đã công bố, các khoảng thời gian để thực hiện các khâu của kỳ thi vẫn được giữ ổn định như các năm trước để đảm bảo tính khả thi, tránh sai sót, hướng tới dữ liệu thi, tuyển sinh chính xác. Cụ thể, thí sinh vẫn sẽ có hơn 3 tuần kể từ khi kết thúc năm học để ôn thi; vẫn có 20 ngày để đăng ký dự thi như mọi năm.
Khi HS phải nghỉ học kéo dài, Bộ có lưu ý gì đối với các nhà trường, các địa phương trong công tác chuẩn bị, triển khai kỳ thi?
Phương thức thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Việc tổ chức thi tuân thủ các nguyên tắc: không gây xáo trộn đối với việc dạy học của giáo viên, HS lớp 12, tổ chức gọn nhẹ, hạn chế tốn kém, căng thẳng cho xã hội, đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, đảm bảo kết quả thi tin cậy để sử dụng vào các mục đích xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở đào tạo sử dụng trong tuyển sinh.
Chính vì thế, các địa phương cần chủ động, tích cực tổ chức dạy học, ôn tập có chất lượng, không cắt xén chương trình; các thầy cô nên phân tích định dạng và cấu trúc đề thi chính thức và đề thi tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS; lên kế hoạch tập huấn để thực hiện tốt kỳ thi; rà soát cơ sở vật chất phục vụ cho kỳ thi...

Đề thi chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12

Đề thi năm nay sẽ ra theo hướng nào? Vì sao năm nay Bộ GD-ĐT không công bố đề minh họa để HS ôn thi, thưa ông?
Kỳ thi được giữ ổn định như năm 2019, cách thức ra đề cũng như vậy. Do đó, Bộ GD-ĐT không công bố đề minh họa; tài liệu để các thí sinh tham khảo tốt nhất là đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi năm 2019.

Dự kiến công bố quy chế thi vào giữa tháng 3

Quy chế thi THPT quốc gia dự kiến sẽ công bố vào giữa tháng 3. Bộ GD-ĐT cũng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế và tổ chức tập huấn cho tất cả các cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Mọi công tác này đã được Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch và sẽ triển khai đúng kế hoạch, theo lịch thi mới.
Phần lớn các câu hỏi trong đề thi là kiến thức cơ bản, chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12. Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết các môn đều được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó và được xếp lần lượt từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài. Bộ đề nghị các trường cần tổ chức cho giáo viên, HS tham khảo, phân tích kỹ đề thi tham khảo và đề thi chính thức năm 2019 làm cơ sở cho việc dạy học, ôn tập đạt kết quả tốt.
Hiện nay, HS lớp 12 và cả các nhà trường lo lắng trước nguy cơ hổng kiến thức trong kỳ nghỉ kéo dài. Theo ông, cần khắc phục thực trạng này thế nào?
Về phương thức thi, cơ bản giữ ổn định như năm 2019, những điều chỉnh kỹ thuật chỉ liên quan đến cán bộ tham gia kỳ thi, không ảnh hưởng đến thí sinh, do vậy các em yên tâm học, ôn tập và chuẩn bị sức khỏe, tâm lý tốt nhất cho kỳ thi. Tôi đề nghị các nhà trường, gia đình hỗ trợ các em để các em không bỏ phí thời gian nghỉ học mà tận dụng thời gian này để bổ sung kiến thức còn thiếu, còn yếu và ôn tập cho kỳ thi tới.
Thời điểm thi là cuối tháng 7, là tháng nắng nóng và cũng dễ xảy ra mưa lũ, việc thi vào thời điểm này phải lưu ý gì?
Từ kinh nghiệm thực tế trước đây, để ứng phó với thời tiết bất thường trong các ngày thi, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, để có phương án trong mọi tình huống, phối hợp với các ban ngành có liên quan tại địa phương... trong việc ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan, kiên quyết đảm bảo an toàn cho thí sinh và kỳ thi.
Việc thi THPT quốc gia muộn liệu có ảnh hưởng tới việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, thưa ông?
Với khung thời gian như đã nêu ở trên, nếu tình hình dịch bệnh không phức tạp hơn thì kỳ thi và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 sẽ đúng kế hoạch năm học 2019 - 2020 cũng như cho năm học 2020 - 2021. Cũng cần nói thêm rằng nhờ công nghệ thông tin, công tác thi, tuyển sinh năm 2020 theo lịch trình mới sẽ không ảnh hưởng lớn với các trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.