Câu chuyện bị bắt ăn ớt, chạy 3 tầng cầu thang 50 lần, bị buộc mặc váy ngắn ra quán nhậu “kiếm khách”; được hướng dẫn làm giả giấy tờ, cầm sổ đỏ để lừa tiền cha mẹ, gia đình, người thân... mà những nạn nhân thoát ra từ ổ đa cấp hoạt động phi pháp tố cáo, tâm sự làm chúng tôi rùng mình.
Những nạn nhân này thoát ra vì kinh hãi chiêu trò của những nhóm đa cấp biến tướng, cảm thấy việc lôi kéo người khác vào hệ thống là “thất đức”. Nhiều người trong số đó đã thức tỉnh, rằng có nghĩa lý gì nếu trở thành một “doanh nhân khởi nghiệp” có thu nhập khủng nhờ lừa gạt người khác, trong đó có cả cha mẹ mình.
Thế nhưng, chúng tôi biết còn rất nhiều bạn trẻ, nhất là sinh viên (SV) năm nhất, năm hai vẫn còn nằm trong các “ổ” đa cấp biến tướng như đường dây “Team khởi nghiệp 360” và có nguy cơ đánh mất luôn tương lai của mình vì việc học đã “gãy gánh giữa đường”. Đa phần các SV dính vào đa cấp biến tướng đều không dám chấp nhận sự thật là mình đã bị lừa; không dám đối diện với gia đình và bạn bè. Vì vậy, những SV này vẫn cố làm để mong gỡ vốn...
Khi thâm nhập, bóc trần hành vi lừa đảo của các ổ đa cấp, chúng tôi vẫn tin rằng việc các SV bị lôi kéo, trước hết xuất phát từ nhu cầu việc làm và khát vọng cải thiện cuộc sống. Đường dây đa cấp trá hình đã giăng bẫy, bằng cách đăng tuyển thông tin tuyển dụng; tổ chức, hoạt động tinh vi, từ việc vẽ ra viễn cảnh giàu có đến lên kịch bản hệ thống triết lý, ý nghĩa nhân sinh để đánh vào tâm lý SV.
Điều này cho thấy có lỗ hổng ở môi trường gia đình và giáo dục khi áp lực kinh tế với các SV càng nặng và nhu cầu tìm kiếm, xác lập bản thân chưa được định hình. Việc giáo dục kỹ năng ứng xử thông tin, nhận diện các bẫy lừa đảo; xác lập lộ trình phát triển giá trị bản thân, quyền cá nhân cho SV - nhất là SV năm nhất đi học xa nhà - là điều cấp thiết. Đoàn hội và nhà trường phải nâng cao trách nhiệm, phải liên tục thông tin đến SV những “bẫy lừa”. Hơn hết, cần có thiết chế để bảo vệ SV trước những cạm bẫy.
Bình luận (0)