Ngôi trường hàng chục năm dạy học sinh… không nơi nào dám nhận

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/10/2019 17:58 GMT+7

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đang ở trong khoảng thời gian tròn 30 năm tuổi. Đây là ngôi trường nổi tiếng không phải vì những thành tích giáo dục đỉnh cao mà là đã ra đời với "sứ mệnh" tiếp nhận học sinh "cá biệt" .

Sáng nay 12.10, Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp với Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội tổ chức hội thảo “30 năm mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng và giải pháp đổi mới giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông hiện nay”. Dự hội thảo có GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ và khẳng định những quan điểm, phương pháp giáo dục hiện đại đã được vận dụng sáng tạo, thành công ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng và những vấn đề cần phát huy tác dụng trong công tác giáo dục đạo đức lối sống hiện nay.
Đồng thời, nêu những quan điểm, phương pháp giáo dục nhằm đảm bảo công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, vai trò của cán bộ quản lý giáo dụcgiáo viên chủ nhiệm trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đối tượng học sinh đặc biệt.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, ôn lại chặng đường 30 năm qua. Tháng 10.1989, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng được thành lập nhằm thu nhận những học sinh không được vào trường quốc lập hoặc đang học tại các trường quốc lập xếp loại yếu kém văn hóa, đạo đức, vi phạm kỷ luật bị các trường từ chối không cho học, có thể được tiếp tục học ở trường.
Những năm đầu thành lập, nhà trường thực hiện “mô hình giáo dục đặc biệt”. Nhà trường tiếp nhận học sinh gồm 60% học sinh yếu kém về khả năng học tập văn hóa. Số còn lại là các học sinh gặp khó khăn về hoàn cảnh gia đình.
Để phù hợp với đời sống thực tế hiện nay, từ năm 2015, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã chuyển từ mô hình giáo dục đặc biệt sang mô hình không chọn lọc đầu vào. Mô hình giáo dục của trường dựa trên mô hình đánh giá chất lượng giáo dục của UNESCO “giáo dục cho mọi người”.
Từ đó, học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã có kết quả đáng khích lệ. Học sinh biết tự học, tự rèn, tự phát triển năng lực phẩm chất, năng lực đạt mục tiêu cấp học. Học sinh sau tốt nghiệp được xã hội tin tưởng, sử dụng.
Với đặc thù học sinh như vậy nên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng là trường đầu tiên ở Hà Nội có bộ phân chuyên trách về tư vấn tâm lý cho học sinh và hoạt động rất có hiệu quả trong hàng chục năm qua, được nhiều nơi học tập kinh nghiệm. 
Đến nay, hơn 10.000 học sinh Trường PTTH Đinh Tiên Hoàng đã tốt nghiệp THPT, một số vào đại học, cao đẳng (khoảng 40%), một số học trường nghề, rồi tự ra lập nghiệp. Nhiều cựu học sinh của trường đều nhìn nhận khi học tập tại trường, họ đã có môi trường giáo dục thực sự vì học sinh, được nhận sự tin yêu của các thầy cô giáo, của bạn bè. Đó là điều hiếm hoi với những học sinh được xem là “cá biệt” lúc đó.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, từ những thành công của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng khi chuyển từ mô hình giáo dục đặc biệt đến mô hình giáo dục "không chọn lọc đầu vào” đã cho thấy, trong bất kỳ điều kiện nào, các nhà trường cũng phải chăm lo việc dạy người, đặt việc dạy người lên hàng đầu để đảm bảo công bằng trong giáo dục. “Một nền giáo dục tiên tiến là nền giáo dục phải chăm lo, ưu tiên cho những học sinh gặp khó khăn”, thầy Tùng Lâm nhấn mạnh quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.