Người đi tìm vị ngọt trên đất mặn

19/06/2024 09:00 GMT+7

Có người hỏi ông Hoa Sĩ Hiền rằng, ở An Giang có bị nhiễm mặn đâu mà ông đi nghiên cứu lai tạo giống lúa chịu mặn. Ông Hiền bảo, tôi là nông dân chỉ có món quà này tặng những người nông dân một nắng hai sương trên mảnh đất quê hương.

Nhà khoa học mới học hết lớp 6

Hằng ngày, niềm vui của ông Hiền là miệt mài với công việc tại "viện nghiên cứu lúa" của mình rộng 4 công đất (4.000m2) ở xã Tân An, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Thuở nhỏ, ông Hiền chỉ theo học hết lớp 6, đến năm 1986 lập gia đình và làm nghề sửa đồng hồ, thợ bạc.

Người đi tìm vị ngọt trên đất mặn- Ảnh 1.

Ông Hiền hướng dẫn sinh viên lai tạo giống lúa tại “viện nghiên cứu lúa” của mình

TGCC

Năm 1991, ruộng lúa nhà ông Hiền bị rầy nâu tấn công, người dân đua nhau sử dụng thuốc trừ sâu. Chính ông Hiền đã bị nhiễm thuốc và xỉu 2 lần trên cánh đồng. Vì thế, ông đã rất trăn trở tạo ra những giống lúa có khả năng kháng sâu bệnh bảo vệ thành quả của nông dân cũng như không làm hại đến môi trường. Năm 2004, ông Hiền được Hội Nông dân cử đi học kỹ thuật trồng lúa ngắn ngày và chuyển giao kỹ năng lai tạo giống lúa. Sau đó, ông bỏ nghề sửa đồng hồ và chạm bạc để rẽ hướng theo nghề lai tạo giống lúa.

Ông giao lại 18 công ruộng cho vợ cày cấy nuôi con còn riêng ông "xí" 4 công ruộng cùng một căn nhà nhỏ, giam mình ở đó để mày mò, nghiên cứu. Thành quả đã đến khi ông cho ra mắt các giống lúa TC (viết tắt của Tân Châu) 1, 2, 3, 4, 5 có cơm ngon hơn, chống được rầy, đạo ôn. Từ đó nhà khoa học chân đất Hoa Sĩ Hiền bắt đầu có "tiếng tăm" trong lĩnh vực lai tạo giống lúa được nông dân trong vùng biết đến. "Năm 2006 tôi cho ra đời giống TC5 có khả năng so sánh, chạy đua với giống lúa OM 2514 ở khu vực miền Tây nhưng có lợi thế hơn ở khả năng hạn chế đổ ngã tối đa, chống rầy nâu, đạo ôn, cơm ngon, từ đó tôi bắt nhịp đam mê tới nay", ông cho biết.

Người đi tìm vị ngọt trên đất mặn- Ảnh 2.

Từ căn nhà nhỏ của ông Hiền đã cho ra 63 giống lúa mới và đào tạo trên 500 sinh viên ngành nông nghiệp

TGCC

Bao nhiêu năm qua, ông Hiền không chỉ được bà con nông dân ưu ái gọi là nhà khoa học chân đất mà còn được nhiều thế hệ sinh viên gọi là thầy giáo nông dân. Ông đã trực tiếp giảng dạy thực hành miễn phí cho trên 500 cử nhân ngành nông nghiệp thuộc các trường đại học như Trường ĐH An Giang, ĐH Cần Thơ, ĐH Nông Lâm TP.HCM... Ông còn dựng phòng cho sinh viên ở khi về thực tập, kinh phí do ông bỏ và bạn bè quý mến hỗ trợ. Bao nhiêu mùa lúa trổ công trình mới xong vì nguồn lực hạn chế.

Tôi đi tìm ngọt

Năm 2009, nghe thông tin bà con ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) mất mùa do lúa bị nhiễm mặn, ông Hiền liền khăn gói ra thực địa tìm hiểu và ấp ủ lai tạo giống lúa chịu mặn cho bà con. "Cuộc đời nông dân một nắng hai sương để làm ra hạt lúa mặn nhiều hơn ngọt. Mặn vì nước biển xâm nhập, mặn vì biến đổi khí hậu khô hạn, mặn vì giá cả bấp bênh. Những cái mặn đó làm đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn, tôi quyết định đi tìm ngọt", ông Hiền tâm sự.

Ông nhờ ngư dân đi biển mang được 4 lít nước biển về để thử nghiệm. Dùng hết ông tự mua muối về pha chế độ mặn. Do không có dụng cụ đo độ mặn, ông Hiền nếm, nhai trực tiếp đất để đo độ mặn, độ pH. Ông Hiền tự nhận mình là nhà khoa học nghèo nhất thế giới khi chẳng có trong tay nổi thiết bị nghiên cứu chuyên dụng nào.

Người đi tìm vị ngọt trên đất mặn- Ảnh 3.

Ông Hiền cả cuộc đời gắn liền với công việc lai tạo giống lúa

TGCC

Lâu dần, lưỡi ông đã trở thành một dụng cụ đo độ mặn vô cùng chính xác. Ngay cả việc ngửi hoặc nhìn cây lúa phát triển ông Hiền còn biết nông dân đang sử dụng loại phân bón, thuốc trừ sâu nào. Sau gần 5 năm nghiên cứu và thử nghiệm, tốn không ít tiền của, Hoa Sĩ Hiền đã cho ra giống lúa TC7 có khả năng chịu mặn từ 3-5 phần ngàn.

"Tôi đã nhiều lần tâm sự với các bậc thầy đi trước họ đều bảo đây là công việc không phải dễ. Tôi từng hỏi rằng, mấy chục năm nay ở khu vực ĐBSCL của chúng ta có giống lúa nào chịu độ mặn 10 phần ngàn không thì các chuyên gia đều bảo cả Đông Nam Á cũng không có", ông Hiền cho biết.

Giống lúa TC7 được đưa vào sản xuất thử ở ĐBSCL vào tháng 1.2019. Mặc dù trong đợt hạn mặn mùa khô nhưng nông dân báo tin về lúa khỏe mạnh, được mùa, chất lượng tốt cho thấy khả năng chống chọi với mặn rất tốt của TC7. Về sau, ông đặt tên giống lúa là SH, viết tắt của tên ông. Trong đó giống SH62 và SH63 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và ông kỳ vọng sẽ trở thành giống lúa tiêu chuẩn quốc gia.

"Một cây lúa có thể sống trong 2 môi trường. Tôi chọn một cây lúa ma hoặc lúa mùa có khả năng vươn giống dài, khi đâm chồi ra nhánh, tôi dùng cái nhánh đó dìm qua một chậu mặn có nồng độ thấp. Nếu nó thích nghi được và đâm rễ lên, đến giai đoạn trổ, tôi dùng cái đó làm cái cây cái để lai, lấy phấn của cây khác. Khi cây đã hoạt động độc lập sống được trong môi trường mặn, tôi cắt đứt với thân chịu mặn và thân chính, như vậy cây lúa sống được trong 2 môi trường", ông Hiền chia sẻ về cách tạo ra giống lúa mới.

Đến nay, tròn 20 năm nghiên cứu lai tạo giống lúa, Hoa Sĩ Hiền đã cho ra đời 63 giống lúa nhưng ông chưa từng bán cho ai. Chỉ cần nông dân cần ông sẵn sàng tặng lại cho họ trồng, coi đó như món quà tặng họ, thậm chí chịu luôn cả phí vận chuyển lúa giống.

Trước đây, từng có 2 doanh nghiệp mời ông về làm cố vấn kỹ thuật với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng nhưng ông từ chối; cho dù 20 năm qua ông Hiền chưa mang về một đồng nào cho vợ con từ 4.000m2 đất nghiên cứu. Hễ có được tiền thưởng ông lại đầu tư vào nghiên cứu. Ông muốn gắn bó với "viện nghiên cứu lúa" của riêng mình và đón nhận sinh viên về học tập đến hết đời. Ông tự hứa với lương tâm làm giống lúa cho nông dân, xã hội, không thương mại hoá.

PGS-TS Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: "Trong 20 năm qua, ông Hiền đã tự thực hành công việc lai tạo giống lúa kết hợp với cán bộ các cấp và nhà khoa học ĐH Cần Thơ để hỗ trợ, đến nay, ông Hiền lai tạo nhiều giống lúa chất lượng, đặc biệt giống TC7 chịu mặn, TC6 chịu phèn, TC26, 21 giống chất lượng cao. Nhiều giống lúa của ông được Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL tiếp nhận vào ngân hàng gen và gửi đi khảo nghiệm ở các tỉnh.

Ông Hoa Sĩ Hiền vinh dự được Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tặng chứng nhận "Người có thành tích xuất sắc trong di truyền học". Đến nay, 17 giống lúa của ông Hiền từ TC1-TC17 được Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ bảo quản trong kho lạnh, riêng giống TC2 được công nhận đạt chuẩn và được đưa vào ngân hàng giống quốc gia.

Người đi tìm vị ngọt trên đất mặn- Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.